Công nhân Công ty CP thủy sản Bình Định đóng gói thủy sản xuất khẩu. Ảnh: T.H Các DN thủy sản cho rằng, theo dự thảo thông tư, một vận đơn phải được khai báo trên một tờ khai hải quan. Trường hợp một vận đơn khai báo cho nhiều tờ khai hải quan thì người khai hải quan phải thông báo tách vận đơn với cơ quan hải quan trước khi đăng ký tờ khai hải quan, thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.
Hệ thống tự động tiếp nhận, kiểm tra, phản hồi việc tách vận đơn cho người khai hải quan ngay sau khi nhận được thông báo tách vận đơn. Người khai hải quan sử dụng số vận đơn nhánh đã được phản hồi để thực hiện khai hải quan.”
Các DN thủy sản góp ý kiến nghị, đề nghị cho phép khai báo "thông tin nhiều tờ khai hải quan được sử dụng chung vận tải đơn" trên nội dung tờ khai khi khai báo hải quan (không phải đăng ký trước). Bởi vì, trong quá trình thực hiện của DN thường xuyên phát sinh các trường hợp 1 vận đơn gồm nhiều lô hàng (xuất hay nhập ghép). Việc yêu cầu tách vận đơn như dự thảo quy định sẽ gây khó khăn cho DN, tốn chi phí mà đôi khi không thực hiện được vì việc tách vận đơn có liên quan đến điều kiện kinh doanh quốc tế, ảnh hưởng đến hồ sơ thanh toán nếu như thanh toán bằng L/C.
Ngoài ra, việc tách vận đơn hàng nhập phải được sự đồng ý của người bán nước ngoài thì hãng tàu mới được phép tách. Do đó, việc phải đăng ký tách vận đơn trước với cơ quan Hải quan trước khi khai hải quan sẽ phát sinh thêm việc, gây mất thời gian và nhân lực không cần thiết cho cả DN lẫn cơ quan Hải quan.
Đối với quy định khai bổ sung, các DN kiến nghị: Thời hạn cho khai điều chỉnh bổ sung (không phân biệt trước và sau thông quan) đối với các trường hợp, gồm: Sửa đổi, điều chỉnh không liên quan đến thuế: cho phép DN điều chỉnh không giới hạn thời gian (ví dụ lượng, trị giá, sai lỗi chính tả...); Các sửa đổi, điều chỉnh liên quan đến thuế: cho phép DN điều chỉnh trong thời hạn 60 ngày (đối với hàng NK để SXXK). Đồng thời cho phép trong thời hạn nói trên, không hạn chế số lần sửa đổi, bổ sung tờ khai và không bị cập nhật các tiêu chí trong quản lý rủi ro cho DN.
Lý do các DN kiến nghị nội dung trên là để tránh trường hợp thực tế hàng nhập khẩu nhiều khi chỉ sai lỗi chính tả, chênh lệch lượng một chút do tính toán… nhưng DN không phát hiện được ngay, đến khi DN kiểm tra lại để làm hồ sơ thanh khoản (sau đó 60 ngày) lúc đó mới phát hiện ra sai, đi điều chỉnh thì bị xử phạt; Các trường hợp mua nguyên liệu hàng xô, hàng xá theo tàu, việc phân sai, phân cỡ diễn ra trong thời gian khá lâu (do khối lượng hàng trên 1 tàu có thể khá lớn: từ một ngàn tấn đến ba hay bốn ngàn tấn).
Theo phản ánh của các DN, hiện nay, các chi cục hải quan đang thực hiện căn cứ vào Điều 5, Điều 6 của Nghị định 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực Hải quan.
Theo đó, không còn qui định xử phạt vi phạm hành chính việc điều chỉnh bổ sung không liên quan đến thuế trước và sau 60 ngày. Đây cũng là hình thức mở cho DN, tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Do vậy, dự thảo sửa đổi Thông tư 38 không nên sửa đổi lại qui định chặt chẽ hơn trước nhằm tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, các DN thủy sản kiến nghị, Tổng cục Hải quan bổ sung thêm quy định không khống chế số lần khai bổ sung của DN. Lý do, một số trường hợp trong thực tế, DN thực hiện khai bổ sung điều chỉnh giảm lượng, sai lỗi chính tả,… tuy cuối cùng được chi cục hải quan đồng ý, nhưng có kèm theo công văn nhắc nhở và thông báo là DN sẽ bị cập nhập vào tiêu chí quản lý rủi ro trên hệ thống, gây ảnh hưởng đến xếp loại của DN cũng như phân luồng tờ khai, thậm chí nếu còn khai bổ sung nhiều lần nữa thì sẽ bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính.
Như vậy, mặc dù Thông tư 38/2015/TT-BTC cũng như Tổng cục Hải quan vẫn đồng ý cho DN khai báo bổ sung bất kỳ tiêu chí gì trong vòng 60 ngày và việc khai báo bổ sung này không ảnh hưởng gì đến việc chấp hành tốt pháp luật hải quan của DN, nhưng các cơ quan hải quan địa phương đang gần như không đồng ý cho DN thực hiện việc này và đang xem xét tăng tiêu chí quản lý rủi ro trên hệ thống đối với các DN phải khai bổ sung nhiều lần. |