Bà Tâm là chủ nhà hàng Tib ở 187 Hai Bà Trưng,ổngthốngMỹtừngănmónmíttrộnkiểuHuếsoi cầu chấm net Q.3, TP. Hồ Chí Minh - nơi Tổng thống George W. Bush cùng phu nhân Laura ăn tối cùng vợ chồng Thủ tướng Úc John Howard vào đêm 19/11/2006, trong chuyến sang dự Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 14 và thăm hữu nghị Việt Nam. Sau khi hội họp và thăm thú ở Hà Nội xong, chiều tối 19/11/2006, Tổng thống Bush cùng phu nhân bay vô thăm TP Hồ Chí Minh.
Món mít trộn mà bà Trịnh Vĩnh Tâm đã chọn cho tổng thống Mỹ
Quá bất ngờ
“Lúc đó khoảng chín giờ sáng 19/11/2006. Tôi đang đưa mấy người bạn đi viếng mộ anh Sơn thì người nhà gọi điện thoại báo về ngay có việc rất quan trọng. Tôi về thì thấy công an đứng chật cả quán. Họ hỏi quán có bao nhiêu bàn, bao nhiêu phòng, nhân viên có bao nhiêu người?... Những người nước ngoài thì vô kiểm tra bếp, các phòng ăn và leo lên cả nóc nhà để xem rất kỹ. Thấy tôi lo lắng, một anh công an trấn tĩnh: Hôm nay sẽ có khách đặc biệt đến ăn tối. Tôi hỏi ai vậy nhưng các anh không trả lời nên vừa mừng vừa lo” - bà Tâm nhớ lại.
Đến cuối buổi chiều thì bà mới được thông báo chính thức: khách đặc biệt hôm nay là vợ chồng Tổng thống Mỹ và vợ chồng Thủ tướng Úc. Hèn chi trước đó một ngày (18/11), nhân viên tòa lãnh sự quán Mỹ tại TP Hồ Chí Minh đã đến nhà hàng Tib chọn phòng ăn sáu người nhưng chỉ đặt tiệc cho bốn người ăn.
Ban đầu, an ninh yêu cầu quán tạm dừng đón khách trong buổi tối, nên bà Tâm phải gọi điện xin lỗi nhóm bạn đã được bà mời cơm trước đó. Nhưng đến khoảng hơn năm giờ chiều thì lãnh sự quán Mỹ thông báo tổng thống không muốn ăn tối trong nhà hàng vắng khách nên cứ tiếp khách bình thường. Cùng lúc đó, bác sĩ người Mỹ và Việt Nam đã đến kiểm tra toàn bộ trang thiết bị, nguyên liệu, thức ăn và họ ở trong bếp cho đến khi tổng thống rời quán. Chén bát phục vụ bàn ăn của tổng thống cũng được kiểm tra kỹ bằng các thiết bị dò mìn.
Khoảng 7g30, vợ chồng Thủ tướng Úc John Howard có mặt tại nhà hàng chờ sẵn. Bà Tâm hỏi một nữ nhân viên lãnh sự quán Mỹ rằng Tổng thống sẽ ăn món gì để chuẩn bị, nhưng bà ấy nói Tổng thống sẽ tự chọn món ông ấy thích. Khoảng 8 giờ tối, vợ chồng Tổng thống Bush từ sân bay đi thẳng tới Tib. Bước vào nhà hàng, Tổng thống Bush tươi cười chào chủ quán và đến từng bàn bắt tay chào khách. Sau đó, vào phòng ăn riêng với hai vị khách mời. Bà Tâm chọn cô cháu gái và cháu dâu để tin cẩn phục vụ tại phòng ăn của tổng thống.
Bánh ướt thịt nướng
Tôi chọn món Huế để mời Tổng thống Mỹ!
Xem thực đơn, ông Bush chọn món càng cua bách hoa và chả giò (người Bắc gọi là nem rán, Huế gọi là chả ram). Các món còn lại ông nhờ bà chủ nhà hàng chọn giúp. Bà Tâm liền nghĩ ngay đến thực đơn Huế và giới thiệu với Tổng thống những món ngon của Việt Nam mà ông ấy nên ăn cho biết: mít trộn ăn kèm bánh tráng mè, bánh ướt thịt nướng, súp Tib nấu trong trái dừa, bánh lá chả tôm và tráng miệng bằng chè hột sen bọc nhãn. Tổng thống cám ơn và thực đơn được đưa ngay xuống nhà bếp. Các bác sĩ đồng ý và đầu bếp bắt tay chế biến dưới sự giám sát của nhân viên an ninh.
Bà Tâm cho hay, các vị khách đều ăn bằng chén và đũa. Tổng thống Bush cầm đũa gắp miếng chả ram, ăn xong gật gù khen ngon và khuyên bà vợ Laura nên thử món này. Bà Laura thử xong, liền nói với nhân viên phục vụ: “Wonderful!” (tuyệt vời!). Sau đó, các vị khách lần lượt ăn hết tất cả các món do bà Tâm chọn. Món nào tổng thống và khách cũng tỏ ra khoái khẩu. Chi phí cho bữa ăn hết gần hai triệu đồng. Bà Tâm đề nghị cho phép nhà hàng mời các vị khách quý bữa cơm, nhân viên lãnh sự quán Mỹ nói để họ thanh toán, nhưng Tổng thống Bush ra hiệu và một người trong đoàn tùy tùng lấy tiền ra trả. Hóa đơn và thực đơn có một món “mít trộn” đã được nhân viên văn phòng Tổng thống mang về Mỹ để lưu trữ.
Món chả ram (nem rán) mà tổng thống tự gọi
Vì sao lại chọn “mít trộn”?
Đó là thắc mắc của không ít người khi nghe chủ nhà hàng Tib chọn món “mít trộn” cho Tổng thống Mỹ ăn. Bà Tâm cười tâm đắc, thổ lộ: “Tôi chủ ý chọn mít trộn, vì đó là món dân dã nhưng rất ngon miệng và lành tính. Đây là món mà chắc chắn ông ấy lần đầu tiên được ăn và không thể nào tìm thấy ở nước Mỹ. Như rứa, ông ta mới nhớ lâu đến Việt Nam!”.
Mít trộn - quá bất ngờ và khâm phục với cách lựa chọn thật độc đáo của bà chủ nhà hàng nói tiếng Huế đậm đà như các món ăn quê nhà mà bà chế biến mỗi ngày để đón khách. Trước khi về nước mở nhà hàng, bà Tâm đã có nhiều năm định cư ở Canada. Bà cho biết, ở Mỹ các nhà hàng bán món Huế cũng nhiều, nhưng tuyệt nhiên không thấy món mít non trộn, chỉ thấy bán mít chín. Ở Việt Nam, món mít trộn chỉ thấy ở Huế và một vài nơi ở Nam Trung Bộ, còn miền Nam thì không thấy món này. Vì vậy, nguồn mít non phần lớn bà phải “nhập” từ Huế.
Cách chế biến món mít trộn của bà Tâm về cơ bản cũng giống như các nơi: mít non luộc chín, xắt thành sợi mỏng, trộn với tôm, thịt và hỗn hợp gia vị: nước mắm, đậu phộng, mè, tiêu, hành, rau thơm... Nhưng có một vị mà các nơi khác không bao giờ đưa vô mít trộn, và bà Tâm đã tìm cách pha chế, đó là ruốc. Thứ gia vị này vốn nặng mùi, nặng vị nên ngay cả người Huế ở quê nhà cũng e ngại đối với những món trộn. Bà Tâm đã biết cách nêm ruốc vô món mít trộn một cách khéo léo, để khách ăn thấy vị ngọt của ruốc mà không nghe mùi. Và người phụ nữ Huế ấy nói, bà thấy quá sung sướng khi mời được ông Tổng thống Hoa Kỳ ăn món làm từ trái mít non từ Huế gửi vô, cùng với cái vị ruốc nồng nàn mà ở xứ sở ông ấy chỉ nghe mùi là đã lắc đầu xua tay.
Đưa dân dã vào nơi sang trọng!
Đó là triết lý ẩm thực mà bà Trịnh Vĩnh Tâm theo đuổi từ khi rời Canada về TP Hồ Chí Minh mở nhà hàng Tib vào năm 1993. Bà Tâm nghĩ rằng chỗ ngồi ăn cần phải đẹp đẽ và sang trọng, nhưng món ăn ngon thì không nhất thiết là cao lương mỹ vị. Sinh ra và lớn lớn ở Huế, nên bà Tâm hiểu quá rõ sự ngon lành của các món ăn dân dã. Cùng với trái mít non là cây tre non, tức là măng, những thứ rau củ rất đặc trưng nước Việt. Trong thực đơn của Tib có một loạt món trộn từ những thứ rau Việt - Huế này: mít trộn, măng trộn, vả trộn, rau muống trộn, bắp chuối trộn... Và tất nhiên, các món Huế vẫn là thực đơn chính. Trong các thực đơn này, bà Tâm luôn khéo léo hòa hợp các món dân dã (mít trộn, bánh bèo, canh hến...) bên cạnh món sang trọng (bánh lá chả tôm, cơm lá sen, súp trái dừa...). Tờ báo Phong cách doanh nhân đã gọi bà Trịnh Vĩnh Tâm là “Người đã đưa những món ăn dân dã của Huế vào nơi sang trọng!”. Bà Tâm nói, bà thật sự hạnh phúc với điều đó! |
Bài: Minh Tự - Ảnh: Tib