Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) của Liên hợp quốc cảnh báo 230 triệu người, chiếm 36,5% dân số Mỹ Latinh (khoảng 630 triệu người), sẽ rơi vào tình trạng nghèo trong năm 2020, tăng hơn 45 triệu người so với năm 2019; trong khi đó, số người nghèo cùng cực sẽ lên đến 96 triệu người, tăng 28 triệu người.
Thư ký điều hành của CEPAL, bà Alicia Bárcena dự báo nền kinh tế của khu vực sẽ suy giảm 9,1% và đây sẽ là cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất trong vòng một thế kỷ qua. Điều này sẽ kéo theo sự gia tăng nghèo đói, nghèo cùng cực và bất bình đẳng. Phụ nữ, người bản địa và người gốc Phi là những người dễ bị tổn thương nhất.
Bên cạnh đó, CEPAL dự báo tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 13,5% vào cuối năm nay, tương đương 44 triệu người không có việc làm trên toàn bộ dân số lao động 313 triệu người của khu vực.
Ngoài ra, sự sụt giảm kỳ vọng tăng trưởng ở Mỹ Latinh được duy trì trong dự báo rằng giá trị xuất khẩu sẽ giảm 20%, kiều hối giảm 20% và ngành du lịch - một trong những nguồn thu ngoại tệ chính của khu vực - giảm mạnh nhất với 35%.
Trong trường hợp của Mexico, CEPAL ước tính khoảng 50,3% dân số sẽ ở trong tình trạng nghèo đói và 18,2% trong tình trạng nghèo cùng cực vào cuối năm 2020, vượt trên mức trung bình của khu vực Mỹ Latinh, là 37,2 và 15,5%.
Theo Thư ký điều hành Alicia Bárcena, khủng hoảng đại dịch COVID-19 đã bộc lộ tất cả các mặt yếu kém của khu vực như hệ thống tài chính, chính sách tiền tệ, y tế, tỉ lệ việc làm phi chính thức và sự bất bình đẳng. Do vậy, các tổ chức tài chính quốc tế cần chung tay giúp đỡ khu vực Mỹ Latinh thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi, miễn trừ lãi suất và hoãn thanh toán nợ.
CEPAL cảnh báo các yếu tố tiêu cực trên sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng xã hội tồi tệ nhất ở khu vực trong nhiều thập kỷ, cũng như “khoét sâu” sự bất bình đẳng xã hội, đặc biệt đối với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương./.
Theo TTXVN