Bà Phạm Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục Hải quan). Năm 2018, ngành Hải quan đang tích cực triển khai sắp xếp lại tổ chức bộ máy của các đơn vị thuộc và trực thuộc, xin bà cho biết, đến thời điểm hiện nay ngành Hải quan đã thực hiện như thế nào? Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy dựa vào những yêu tố và tiêu chí nào? Xác định công tác sắp xếp, tổ chức lại bộ máy là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách, hiện đại hóa của ngành Hải quan, Tổng cục Hải quan đã luôn chủ động rà soát, đánh giá để sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Từ năm 2016, trước khi có Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Tổng cục Hải quan đã chủ động rà soát, báo cáo Bộ Tài chính sắp xếp lại các đơn vị cấp trung gian ở cơ quan Tổng cục Hải quan và cục hải quan tỉnh, thành phố để phù hợp quy định về tổ chức bộ máy của Chính phủ và đáp ứng yêu cầu quản lý tập trung theo Hệ thống thông quan điện tử VNACCS. Theo đó, ở cơ quan Tổng cục đã không tổ chức phòng trong Vụ (giảm được 13 đầu mối), ở cục hải quan tỉnh, thành phố đã sáp nhập một số đầu mối cấp phòng (giảm được 37 phòng và đơn vị tương đương). Để triển khai thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy của các cục hải quan tỉnh, thành phố, Tổng cục Hải quan đã chủ động nghiên cứu và trình Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 2015/QĐ-BTC ngày 6/9/2017 ban hành tiêu chí thành lập, tổ chức lại chi cục hải quan thuộc cục hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Quyết định số 2094/QĐ-BTC ngày 17/10/2017 ban hành tiêu chí thành lập, tổ chức lại đội, tổ thuộc chi cục hải quan và tương đương thuộc cục hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Công tác rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy của Tổng cục Hải quan luôn được triển khai một cách chủ động, có bài bản, theo đúng định hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hệ thống văn bản về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của các đơn vị thuộc, trực thuộc Tổng cục đã làm rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm của từng đơn vị trong hệ thống tổ chức của Tổng cục; cơ bản giải quyết được sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, phân định rõ quyền hạn và trách nhiệm của các đơn vị trong hệ thống tổ chức của Tổng cục Hải quan góp phần tích cực thúc đẩy quá trình cải cách, hiện đại hóa hải quan, phù hợp, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao. Cùng với đó, để triển khai việc sắp xếp này, Tổng cục Hải quan đã có công văn gửi các cục hải quan tỉnh, thành phố, trong đó đã yêu cầu các Cục trưởng cục hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức phổ biến, quán triệt tới toàn thể cán bộ, công chức về chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan về tinh giản tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để thống nhất trong nhận thức và quá trình thực hiện. Theo kế hoạch đến hết qúy II/2018, Tổng cục Hải quan sẽ hoàn thành rà soát, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy cấp đội, tổ thuộc chi cục hải quan. Xin bà cho biết, đầu mối cấp đội, tổ tại các chi cục hải quan sau khi tổng rà soát sẽ cắt giảm được bao nhiêu? Công tác sắp xếp lại tổ chức, bộ máy cấp đội, tổ thuộc chi cục hải quan sẽ phải hoàn tất khi kết thúc quý II. Tính đến thời điểm hiện nay, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành 24 quyết định quy định cơ cấu tổ chức của các chi cục hải quan và đơn vị tương đương của 24 cục hải quan tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Tây Ninh, Cà Mau, Điện Biên, An Giang, Kiên Giang, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Định, Bình Phước, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Long An, Nghệ An, Lào Cai, Hà Giang). Theo đó, số lượng đội, tổ đã giảm là 170/373 đội, tổ của 24 cục hải quan. Ngoài ra, Tổng cục đã sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của các Chi cục Kiểm định thuộc Cục Kiểm định Hải quan, theo đó đã giảm 11/21 đội thuộc Chi cục Kiểm định và Trung tâm phân tích. Dự kiến, sau khi sắp xếp lại trong tháng 6 này, toàn ngành Hải quan sẽ giảm khoảng 200 đội, tổ. Trong các đơn vị đã sắp xếp hiện nay, tỷ lệ giảm nhiều nhất là Cục Hải quan Cà Mau giảm 6/6 đội, tổ, Cục Hải quan Thanh Hóa giảm 8/9 đội, tổ, Cục Hải quan Long An giảm 10/12 đội, tổ, Cục Hải quan Khánh Hòa giảm 8/10 đội, tổ, Cục Hải quan Quảng Nam giảm 3/4 đội, tổ, Cục Hải quan Cần Thơ giảm 13/16 đội, tổ, Hà Nội giảm 18/54 đội, tổ… Với cấp chi cục hải quan và cấp cục hải quan sẽ được Tổng cục Hải quan tổ chức sắp xếp lại như nào, thưa bà? Việc sắp xếp lại cấp chi cục và cấp cục hải quan cũng đã được xây dựng lộ trình rõ ràng. Theo đó, với cấp chi cục hải quan và đơn vị tương đương trong quý III/2018 Tổng cục Hải quan sẽ tiến hành rà soát, báo cáo Bộ Tài chính phương án sắp xếp lại chi cục hải quan và đơn vị tương đương thuộc cục hải quan theo tiêu chí quy định tại Quyết định số 2015/QĐ-BTC của Bộ Tài chính. Dự kiến sẽ giảm tối thiểu 10 chi cục hải quan theo Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW được ban hành kèm theo Quyết định 444/QĐ-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Đối với cấp cục hải quan tỉnh, thành phố, trong quý IV/2018, Tổng cục Hải quan sẽ rà soát, báo cáo Bộ phương án sắp xếp, tổ chức lại các cục hải quan theo tiêu chí quy định tại Nghị định số 36/2015/NĐ-CP ngày 17/4/2015 của Chính phủ quy định tiêu chí thành lập cục hải quan; tổ chức, nhiệm vụ và hoạt động của Hải quan các cấp. Có một thực tế đó là công việc của ngành Hải quan ngày càng gia tăng, việc quản lý và giám sát hải quan đòi hỏi thuận lợi nhưng phải quản lý chặt chẽ. Với yêu cầu này, ngành Hải quan sẽ làm gì để vừa sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn mà vẫn nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, thưa bà? Công tác rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy của ngành Hải quan được tiến hành thận trọng, gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ quan Hải quan. Đồng thời, việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hải quan đã được triển khai gắn với đổi mới về phương thức lãnh đạo, điều hành và việc rà soát chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa bàn quản lý. Để thực hiện được điều này, ngành Hải quan cũng đồng thời thực hiện rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức để thực hiện sắp xếp, bố trí công chức sau khi tiến hành sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Theo đó, việc sắp xếp, bố trí công chức theo vị trí việc làm, phù hợp với trình độ, năng lực của cán bộ, công chức để đảm bảo phân công công việc đúng người, đúng trình độ và phù hợp với yêu cầu thực tế. Cùng với đó, thực hiện đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng và quản lý nguồn nhân lực để đáp ứng được yêu cầu cải cách, hiện đại hóa của ngành đã đề ra. Xin cảm ơn bà! |