Liên tục trong những ngày hạ tuần tháng 7-2011, vkeo goc hom nay giá vàng trong nước “nhảy múa” liên tục. Việc vàng tăng giá như vậy gây tâm lý e ngại trong giới kinh doanh và người tiêu dùng vì những hệ lụy của nó.
Tính đến thời điểm ngày 18-7-2011, giá vàng thế giới đã tăng lên mức 1.594 USD/ounce (tương đương 28,35g) làm cho giá vàng trong nước cũng tăng gần 20.000 đồng/lượng so với phiên giao dịch cuối tuần. Trước đó, giá vàng SJC trung tuần tháng 7 trong nước đã đạt 39 triệu đồng/lượng (cuối tháng 6 chỉ là 37 triệu đồng/lượng). Đến cuối tháng 7 đã là 40,4 triệu đồng/lượng, một con số về giá cao nhất từ trước tới nay. Việc giá vàng lên cơn sốt từng ngày đã không làm cho số lượng khách hàng đến giao dịch tuy chưa đến mức nhộn nhịp bởi tâm lý của người dân vẫn đợi xem giá vàng có tăng giá thêm nữa hay không mới bán ra để hưởng chênh lệch. Hoặc còn nghi ngại sự lên xuống thất thường của vàng theo thời tiết nên không tranh thủ mua bán vì sợ những hệ lụy lỗ tiền kéo theo.
Anh Phạm Văn Dương ở phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài cho rằng: “Bản thân tôi là người thích tích trữ vàng, được bao nhiêu vốn liếng từ vườn rẫy tôi đều mua vàng để dành. Trước sự leo thang của vàng như trên thì tôi không thể bán vàng để lấy tiền đầu tư vì sợ khi bán xong sẽ còn lên giá nữa thì tiếc lắm”. Còn chị Phượng cùng địa chỉ trên nói: “Tôi rất muốn xây nhà ở, nhưng giá vàng tăng nhanh như thế này thì vật liệu xây dựng, nhân công chắc chắn bám theo giá vàng mà leo thang nên mọi tính toán về giá trị nhà ở quy đổi từ tiền thành vàng là không thể xây được”. Còn các doanh nghiệp muốn có vốn để mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh trong lúc lãi suất cho vay của ngân hàng tăng cao cũng không dám vay vàng vì lo ngại “thiệt hại kép”. Ông Thuận, một chủ doanh nghiệp ở Đồng Phú nói: “Khi giá vàng tăng các nguyên liệu đầu vào phục vụ cho việc sản xuất, hàng tiêu dùng, các dịch vụ… đều bị “quy” ra vàng, bởi vàng vốn được xem là “hàn thử biểu” của nền kinh tế. Nhất là những nguyên liệu để chế tác ra vàng cũng phải tăng dẫn đến giá bán tăng thì mọi thứ theo đó mà tăng”. Có thể thấy, trong 15 ngày đầu tháng 7-2011, giá cả một số loại nguyên vật liệu, hàng hóa trên thị trường như đường, gạo, xăng dầu, phân bón, thực phẩm... có xu hướng tăng. Một số mặt hàng thực phẩm thời gian qua đã tăng khá mạnh. Và hiện giá các mặt hàng thực phẩm, lương thực, rau củ quả chưa có dấu hiệu giảm mà còn có xu hướng tiếp tục tăng vào thời gian tới. Người dân lâu nay vốn quen với việc quy đổi giá trị theo vàng nên giá cả cũng vì thế mà bị ảnh hưởng. Không chỉ thế, sự tăng giá của vàng còn ảnh hưởng tới thị trường bất động sản. Bà Nguyễn Thị Hoa, một người chuyên môi giới nhà đất ở thị xã Đồng Xoài kể: “Tháng trước, tôi giới thiệu cho khách hàng một căn nhà mặt phố, xây cấp 4, giá 700 triệu đồng. Hai bên thỏa thuận ngày giờ đặt cọc, làm thủ tục sang nhượng. Đùng cái, giá vàng tăng, chủ nhà quy đổi ra vàng thấy lỗ nặng nên không muốn thanh toán bằng tiền mặt. Khách mua muốn trả bằng tiền mặt vì quy vàng cũng lỗ nên vụ mua bán này xem như đổ bể”. Việc vàng tăng giá càng làm cho người dân trọng tâm lý giữ vàng như là một cách đầu tư khá phổ biến hiện nay. Giữ tiền trong tài khoản chứng khoán lúc này có vẻ như không phải là lựa chọn tốt cho các nhà đầu tư ngắn hạn do diễn biến bi quan của thị trường gần đây. "Giá vàng tăng sẽ khiến cho lãi suất tiền gửi trở nên kém hấp dẫn. Với xu hướng giá tăng mạnh, người dân, doanh nhân… sẽ rút tiền đồng để mua vàng tích trữ nhằm kỳ vọng vào chênh lệch giá, thay vì gửi tiền đồng cho các ngân hàng hoặc mua hàng hóa, dịch vụ để kích thích sức tăng trưởng kinh tế”, một cán bộ tín dụng Ngân hàng Sài gòn Thương Tín chi nhánh Bình Phước nói về việc huy động tiền gửi nhàn rỗi trong dân trong thời buổi giá vàng leo thang liên tục. Một hệ lụy nữa đến từ đợt tăng giá vàng lần này chính là xu hướng đầu cơ. Khi vàng tăng giá mạnh, hiện tượng người dân đổ xô đi mua bán vàng, đầu cơ, tích trữ. Hiện tượng đầu cơ, tích trữ, xuất nhập lậu vàng và biến động tỷ giá sẽ trở lại và hệ lụy này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lạm phát, doanh nghiệp và lãi suất. Trong 6 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội mà Nghị quyết 11 của Chính phủ trong đó có việc thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. Kiểm soát kinh doanh vàng hướng tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường… Và mới đây, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Phước đã có kế hoạch kiểm tra các hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, những biện pháp đó chưa thể làm hạ nhiệt cơn sốt giá vàng. Do vậy, người dân cần tỉnh táo trước sự “nhảy múa” của giá vàng để có cái nhìn khách quan hơn và nhất là không để bị giá vàng cuốn hút. Tấn Phong |