Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận sáng ngày 16/11 Băn khoăn về tên gọi
Theo đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định): “Tên gọi là “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia” chẳng khác nào khẳng định rượu, bia hoàn toàn có hại, từ đó gây ra hiểu lầm không đáng có. Trên thực tế, tác hại là do sử dụng quá liều lượng và sử dụng những sản phẩm không đảm bảo chất lượng”.
Mục đích của Luật là bảo vệ sức khỏe của nhân dân, vì thế đối tượng chịu sự tác động chính là người sản xuất phải đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng phải có ý thức. Nếu có ý thức, người tiêu dùng sẽ quyết định nên uống thế nào để không ảnh hưởng đến sức khỏe, ảnh hưởng đến cộng đồng. Tên gọi cần hướng đến hành vi của người sản xuất và người sử dụng vì bản thân sản phẩm không có hại.
Đại biểu Trần Quang Chiểu phân tích: Hiện nay trên thế giới và ngay tại thị trường trong nước có những sản phẩm có cồn, có nồng độ tương đương với bia, nhưng không đăng ký là bia. Nếu Luật chỉ điều chỉnh với rượu, bia thì chưa bao quát hết thực tiễn diễn ra và mục đích khi ban hành. Bởi vậy, vị đại biểu này đề nghị tên Luật là “Luật Kiểm soát đồ uống có cồn” hoặc “Luật Phòng, chống tác hại lạm dụng đồ uống có cồn”.
Liên quan tới vấn đề này, tranh luận lại ý kiến của đại biểu Trần Quang Chiểu, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho rằng: Dự án Luật không phải cấm rượu bia mà là phòng, chống tác hại rượu bia, nghĩa là chỉ phòng những cái có hại…
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn phân tích về từ “lạm dụng” là lạm dụng rượu chia làm 3 loại: Thứ nhất, uống mà có hại sức khỏe; thứ hai, uống quá độ và thứ ba là nghiện rượu. “Như vậy, ngay mức độ đầu tiên uống rượu đã nguy hại sức khỏe, nếu uống thường xuyên gây nguy cơ tai hại đến mặt thể chất và xã hội. Nếu chờ đến uống thường xuyên mới phòng thì không ổn”, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn nói.
Hạn chế tối đa việc quảng cáo bia, rượu
Tập trung phân tích tác hại của rượu, bia, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nêu vấn đề: Từ năm 2014-2016, khi mức tiêu thụ rượu, bia toàn cầu tăng không đáng kể thì ở Việt Nam lại tăng cao gấp đôi. Vị này còn dẫn chứng, theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tai nạn liên quan tới rượu bia mỗi ngày gây tổn thất khoảng 250 tỷ đồng, chưa kể những hậu quả nặng nề về cho xã hội mà không thể đo đếm được.
Đại biểu Trọng Nhân phân tích: Dù bia, rượu là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh tật nhưng các quảng cáo bia rượu làm cho người nghe lầm tưởng sự hấp dẫn đến từ rượu, bia như: Hào khí ngàn năm, chất men thành công, chung một đam mê… Những lời đó đã cố tình quên đi những vụ thảm án hay những vụ tai nạn giao thông, các vụ bạo hành… cũng từ rượu mà ra.
“Nếu đòi hỏi một văn hóa uống từ người tiêu dùng thì ở đây có phải là văn hóa sản xuất của ngành rượu, bia. Do đó, tôi đồng ý cao với sự ban hành luật. Về quảng cáo rượu, bia, cần chế định chặt chẽ nhằm hạn chế tối đa. Việc quảng cáo bia, rượu phải được cấm trên tất cả các loại hình báo chí từ báo nói, báo hình, báo giấy, báo điện tử, mạng xã hội chứ không chỉ riêng các chương trình thể thao, văn hóa, sân khấu, điện ảnh dành cho thiếu nhi đang được quy định tại dự thảo Luật”, đại biểu Nhân nói.
Cũng theo đại biểu Trọng Nhân: “Phải chăng một phần nguyên nhân thành tích từ tính sẵn có trong đời sống xã hội hay nỗ lực từ ngành bia rượu? Các địa điểm bán rượu, bia không phải tốn công đi tìm vì bán mọi lúc mọi nơi từ tiệm tạp hóa, quán ăn vỉa hè đến các nhà hàng sang trọng, thậm chí các đô thị có sẵn những con đường ăn nhậu phục vụ ban đêm. Để hạn chế những vấn đề trên, Điều 20 của Dự án Luật quy định về các địa điểm, phương thức nhưng quy định vậy phải chăng là những địa điểm khác đương nhiên được bán? Thực tế, rượu, bia không được bày bán nhiều ở các địa điểm như quy định, liệu chế định này có phát huy được tác dụng hay không là điều phải tính đến”, đại biểu Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh.
“Để nhích lên từng chút một trong tăng trưởng thì cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực. Ở chiều ngược lại, mỗi năm bia, rượu tổn thất ít nhất 1-3% GDP quý giá. Như vậy, dù đã được cố gắng biện minh cho phát triển kinh tế, giải quyết việc làm thì cũng khó chấp nhận, chưa kể những hậu quả nặng nề cho xã hội mà không gì bù đắp được”, đại biểu Phạm Trọng Nhân nói.
Tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu đóng góp ý kiến vào Dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Đây là một Luật rất khó bởi có những vấn đề “đối đầu” với nhau, giữa mong muốn bảo vệ sức khỏe con người tối đa và các nhà sản xuất kinh doanh muốn doanh thu, lợi nhuận.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc xây dựng Luật dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản mà quốc tế áp dụng là giảm tính sẵn có (giờ bán, tuổi bán, địa điểm bán), tăng thuế tiêu thụ (giảm người uống, tăng nguồn thu ngân sách) và quảng cáo.
Về tên gọi của Dự án Luật, Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh: Qua phân tích, Ban soạn thảo mong muốn được giữ tên hiện đang sử dụng bởi vừa dễ hiểu, vừa đơn giản. Bên cạnh đó, phạm vi của luật là phòng, chống tác hại của rượu bia chứ không đả động tới văn hóa của rượu bia hiện nay. “Trong tiếng Anh hay sử dụng từ kiểm soát nhưng khi dịch sang tiếng Việt hầu hết dùng từ phòng, chống. Nước ngoài cùng từ kiểm soát dịch bệnh nhưng Việt Nam nói thế người dân không hiểu, phải dùng từ phòng, chống dịch bệnh. Đó là ngôn ngữ dịch sang làm sao cho dễ hiểu”, Bộ trưởng Tiến nói.
Liên quan tới vấn đề nguồn lực, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Với con số một năm cấp cho cả nước 700 triệu đồng để tập huấn, truyền thông tác hại của thuốc lá, rượu vang... như hiện nay thì dự thảo Luật ban hành sẽ không khả thi. Bộ trưởng Tiến mong muốn, tới đây, Quốc hội sẽ thông qua để cho phép trích % trong ngân sách, tạo nguồn lực thực sự và chương trình mục tiêu giúp Luật này thực sự có hiệu quả. Lý do là bởi khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ rượu, bia thì cũng góp phần tăng thu ngân sách. |