(CMO) Ở miền Tây, khi nhắc đến sen chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến xứ sở sen Tháp Mười. Thế nhưng, xuôi về miệt đất mặn Cà Mau cũng có một vùng chuyên trồng sen lấy ngó. Cây sen đã bén rễ nơi đây hơn 20 năm nay. Thời điểm này cũng là lúc những cánh đồng sen cho thu hoạch ngó sen nhiều nhất trong năm.
Ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, những cư dân hiện đang sinh cơ lập nghiệp trên vùng đất này còn nhớ rất rõ, ở nơi đất trũng, phèn, hàng chục năm trước nông dân chỉ sản xuất được 1 vụ lúa nhưng cũng “ba chìm bảy nổi”. Thế rồi, như là cơ duyên, cây sen bén rễ trên vùng đất khó, những nông dân lam lũ, chịu thương chịu khó đã tìm thấy hướng đi trong sản xuất, phát triển kinh tế. Phong trào trồng sen lấy ngó phát triển đã khơi dậy tiềm năng của xứ này.
Bà Trần Ánh Tuyết, ấp Ðá Bạc A, có 20 công đất trồng lúa chuyển sang trồng sen hơn chục năm nay. Dáng người nhỏ xíu, bà dắt tôi ra sau nhà, chỉ về phía ruộng sen, để lộ ra bàn tay gầy gò, móng tay đen nhẻm vì những ngày ngâm mình dưới ruộng đi nhổ ngó sen. Bà chia sẻ: “Hồi thời làm lúa, nhà nghèo lắm. Làm lúa một vụ, bỏ công sức mấy tháng trời mà bán ra lời không được 5 triệu đồng, vất vả lắm, nhất là phải lo nạn chuột cắn phá. Cũng nhiều người làm lúa không hiệu quả nên bỏ ruộng, rồi cây sen tự mọc, có thời gian tôi tranh thủ đi xin móc ngó sen trên ruộng người ta. Thấy sen tươi tốt trên đất ruộng, tôi mới đi xin giống về trồng trên ruộng nhà luôn, không làm lúa nữa. Nhờ trời thương nên từ hồi chuyển qua trồng sen, vô vụ là đi móc ngó sen, gương sen bán kiếm cũng được 10 triệu đồng mỗi tháng. Mấy năm trước, thấy nhà kế bên bỏ đất ruộng uổng quá nên tôi mướn thêm 10 công để trồng sen luôn, tổng thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy mà vợ chồng già có tiền xây cất căn nhà tường kiên cố”.
Nhìn bà Tuyết nhỏ người vậy thôi, chứ phải mạnh tay lắm mới nhổ được ngó sen suốt năm này tháng nọ như vậy, và móc ngó tới đâu thì phải phát bỏ lá sen già tới đó để kích sen mọc lá non mới có ngó.
Anh Trịnh Hoài Thanh, ấp Ðá Bạc, dáng người cũng khiêm tốn, vậy mà anh là người chủ lực nhổ ngó sen trên ruộng hơn 4 ha của gia đình mười mấy năm nay. Canh tác lúa nhiều năm không hiệu quả, thấy đến mùa là cây sen tự sinh trưởng và phát triển tốt, anh Thanh quyết định mở rộng diện tích trồng sen quanh năm thay thế cho vụ lúa. Trước đây ngó sen chỉ bán ra số lượng ít, nên trung bình mỗi ngày anh Thanh thu hoạch từ 10-20 kg ngó sen, giá bán dao động từ 30.000 đồng/kg. Từ khi bắt mối được những điểm thu mua số lượng lớn, mỗi ngày anh đi nhổ nhiều hơn và cũng là thương lái đi thu gom số lượng từ 50-100 kg ngó sen mới đủ giao. Mỗi sáng, vợ anh lo cơm nước, cho con cái đi học, còn anh tranh thủ ra ruộng sen để móc ngó, tầm 2-3 tiếng là được 20 kg, tuỳ số lượng khách đặt bao nhiêu thì nhổ bấy nhiêu. Sau đó đem lên nhà để vợ anh rửa lại từng cọng cho trắng sạch, còn anh thì tranh thủ chạy xe vòng quanh xóm để thu gom, cân ngó sen của bà con. Chịu khó từ sáng sớm đến xế chiều là kiếm lời được trên dưới 1 triệu đồng.
Hơn 4 ha đất ruộng trồng sen của anh Trịnh Hoài Thanh cho thu nhập từ 20-30 triệu đồng/tháng.
“Chỉ có ngưng 4 tháng mùa hạn, bà con trục đất, cày xới để khi mưa xuống cho sen tái tạo. Hơn 1 tháng sau là đã có ngó sen thu hoạch liên tục đến cuối năm. Qua Tết, khi sen già, ít ngó thì thu hoạch gương sen bán cũng có thêm thu nhập đến khi ruộng khô nước. Cứ xoay vòng như vậy, không cần phải lo canh giữ, thăm đồng, cấy, gặt, bón phân, thất mùa, thất giá như làm lúa. Trồng sen chỉ tốn công đi nhổ, một năm kêu máy vô trục đất 2-3 lần cho sen mọc ngó”, anh Thanh cho biết.
Mỗi ngày anh Thanh ra ruộng, ngâm mình dưới nước từ 2-3 giờ, nhổ được khoảng 20 kg ngó sen.
Sen là loại cây chịu phèn. Từ lúc có cây sen, nông dân Khánh Bình Tây gắn bó với mảnh đất này hơn, vì có thể trồng sen trồng quanh năm, hoặc 1 vụ sen - 1 vụ lúa. 1-2 ngày đi nhổ ngó sen giao cho khách là có mấy trăm ngàn đồng, hoặc có thể bày bán trước nhà cũng có bà con ghé mua như một loại rau sạch, ngon ở đồng nội quê nhà.
Toàn bộ cây sen đều được tận dụng hết. Hoa và lá sen vừa thơm, vừa đẹp nên thường được dùng để ướp trà, hấp xôi. Gương sen tách lấy hạt hoặc lấy tim làm trà rất tốt cho sức khoẻ. Ngó sen cũng là một loại thực phẩm và vị thuốc quý được sử dụng nhiều.
Ngó sen nấu được nhiều món ngon, tốt cho sức khoẻ. Ảnh: Món gà ta hấp ngó sen có vị ngọt thanh, thơm ngon, hấp dẫn.
Vào mùa, hoa sen nở rực khoe sắc cả một vùng, mở ra hy vọng về một địa điểm để du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên của sen hồng trên đồng đất Cà Mau./.