Giá dầu thô gần như đi ngang trong phiên giao dịch sáng ngày 6/3. Ảnh tư liệu |
Giá dầu thô ổn định
Giá dầu thô giảm gần 1% trong phiên giao dịch ngày 5/3 vì áp lực từ sự hoài nghi xung quanh việc mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư giảm bất chấp sự hỗ trợ từ đồng USD yếu hơn.
Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent giảm 0,9% xuống 82,04 USD/thùng, phiên giảm thứ 4 liên tiếp, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 0,8% xuống 78,15 USD. Trong phiên có thời điểm cả hai loại dầu giảm hơn 1 USD/thùng.
Trong phiên giao dịch sáng ngày 6/3, giá dầu thô gần như đi ngang. Tại thời điểm 7h30 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao dịch ở 82,06 USD và giá dầu thô WTI ghi nhận ở 78,19 USD.
Giá gas giảm 0,21% xuống mức 1,94 USD/mmBTU
Mở cửa phiên giao dịch sáng 6/3, giá gas tại thị trường thế giới giảm 0,21% xuống mức 1,94 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 4/2024.
Khí đốt tự nhiên vẫn được các chuyên gia nhận định đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng trên toàn cầu.
Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu khí đốt dự kiến sẽ tăng mạnh trong năm 2024 so với năm 2023, do ảnh hưởng bởi dự báo về thời tiết lạnh hơn và giá khí đốt giảm.
Tại Báo cáo thường niên "Global Gas Outlook 2050" vừa được công bố, Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (GECF) dự đoán: Đến năm 2050, nhu cầu khí đốt tự nhiên sẽ tăng 34% vào năm 2050, góp phần gia tăng đáng kể thị phần của nó trong cơ cấu năng lượng toàn cầu, từ mức 23% hiện nay lên 26%./.