Cơ cấu hiệu quả bộ máy Tổng cục Thuế Thực hiện Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế, Tổng cục Thuế đã trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan thuế các cấp trong toàn hệ thống, bao gồm từ cấp vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Thuế đến cấp cục thuế, chi cục thuế. Theo đó, Tổng cục Thuế không cơ cấu tổ chức cấp phòng thuộc vụ. Sau khi sắp xếp, cơ cấu lại bộ máy tổ chức theo quy định mới, hiện tại Tổng cục Thuế đã giải thể 27 đầu mối cấp phòng, tương ứng giảm 27 trưởng phòng và tương đương; giảm 56 phó trưởng phòng. Đối với các cục thuế tỉnh, thành phố, triển khai Quyết định số 1836/QĐ-BTC và Quyết định số 110/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cục thuế các tỉnh, thành phố, của chi cục thuế, Tổng cục Thuế đã triển khai xây dựng và ban hành các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ của các phòng thuộc cục thuế; các đội thuộc chi cục thuế. Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, hiện toàn hệ thống đã hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy cấp cục thuế theo quy định mới. Sau khi sắp xếp đã giảm 63 đầu mối cấp phòng, tương ứng giảm 63 trưởng phòng và tương đương. Tại chi cục thuế, thực hiện Quyết định số 520/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc sắp xếp, hợp nhất các chi cục thuế quận, huyện, thị xã thành chi cục thuế khu vực, hiện nay Tổng cục Thuế đã chỉ đạo triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình mới, dự kiến giảm khoảng 30% đầu mối cấp đội (khoảng 1.500 đội), tương ứng giảm 1.500 đội trưởng và tương đương. Đã giảm 211 chi cục thuế Công tác hợp nhất tổ chức, cán bộ, tinh gọn bộ máy được Tổng cục Thuế thực hiện mạnh mẽ nhất ở việc sắp xếp sáp nhập các chi cục thuế thành chi cục thuế khu vực. Đến nay, toàn ngành Thuế đã thực hiện 4 đợt hợp nhất chi cục thuế. Theo đó, năm 2018, Tổng cục Thuế triển khai điểm thành lập chi cục thuế khu vực tại 6 địa phương: Quảng Ninh, Hải Dương, Yên Bái, Quảng Ngãi, Lâm Đồng và Cà Mau. Đợt 1 của năm 2019 thực hiện tại 9 cục thuế (Hà Nam, Hưng Yên, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Lạng Sơn, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Thái Nguyên, Thừa Thiên -Huế), hợp nhất 54 chi cục thuế để thành lập 26 chi cục thuế khu vực, giảm 28 chi cục thuế. Đợt 2 năm 2019 thực hiện tại 16 cục thuế (Bắc Kạn, Hậu Giang, Khánh Hòa, Sơn La, Quảng Ngãi, An Giang, Điện Biên, Lâm Đồng, Hà Nội, Long An, Phú Thọ, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Bình, Kon Tum, Tiền Giang), hợp nhất 106 chi cục thuế để thành lập 50 chi cục thuế khu vực, giảm 56 chi cục thuế. Hiện ngành Thuế đang triển khai hợp nhất chi cục thuế tại 35 cục thuế (Quảng Ninh, Cà Mau, Hậu Giang, Thái Bình, Ninh Bình, Đắk Nông, Cao Bằng, Quảng Trị, Thanh Hóa, Lai Châu, Bạc Liêu, Bắc Giang, Bình Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Phước, Hà Giang, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Dương, Kiên Giang, Bắc Ninh, Đồng Tháp, Lào Cai, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Thuận, Nam Định, Hải Phòng, Gia Lai) với 207 chi cục thuế để thành lập 98 chi cục thuế khu vực, giảm 107 chi cục thuế. Như vậy, qua các đợt sắp xếp, thành lập chi cục thuế khu vực, đến nay đã sắp xếp 401 chi cục thuế trực thuộc 61 cục thuế để thành lập 190 chi cục thuế khu vực, giảm 211 chi cục thuế. Có thể nói, việc sáp nhập các chi cục thuế là bước đi mạnh mẽ của ngành Thuế trong công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Tại các cục thuế đã sáp nhập thành công như: Quảng Ninh, Hải Dương, Quảng Ngãi, Điện Biên… về cơ bản các đơn vị hợp nhất đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn. Các chi cục thuế khu vực đã góp phần đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu thu chi ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội của từng huyện, thị xã, thành phố theo Luật Ngân sách nhà nước. Đặc biệt, việc hợp nhất không gây khó khăn, phiền hà cho người nộp thuế khi thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Tư tưởng cán bộ công chức cơ bản đồng thuận, yên tâm công tác; tham mưu đầy đủ, kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành dự toán thu ngân sách trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố. Công tác kê khai, nộp thuế và giải quyết các vướng mắc về thuế được thực hiện thông suốt. Có được kết quả tích cực là do ngành Thuế nhận được sự chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính và sự tham gia tích cực của các địa phương trong việc hướng dẫn các đơn vị sắp xếp, sáp nhập bàn giao tài sản, trụ sở làm việc và công việc chuyên môn. Bên cạnh đó, các đơn vị đã chủ động rà soát, sắp xếp lại tổ chức theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính về tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Sau khi sắp xếp, chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận đã được quy định rõ ràng; không chồng chéo, không bỏ sót. Quy mô của từng bộ phận hợp lý, tương xứng với khối lượng công việc được phân công và đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính trong giai đoạn mới. |