【nhận định arsenal vs brentford】Kinh doanh kho lạnh: Cần quy hoạch tổng thể
Đặc biệt, sau sự kiện giá thịt lợn xuống thấp vừa qua, đặt ra yêu cầu cần một hệ thống kho lạnh đủ lớn cho sự phát triển của nền kinh tế. Với mỗi DN, việc sở hữu một vài kho lạnh sẽ giúp các DN làm chủ thị trường cũng như nắm bắt cơ hội đầu tư và phát triển.
Thiếu sự liên kết đồng bộ
Tại Việt Nam, rất nhiều loại hàng hóa xuất khẩu đang cần đến kho lạnh, trong đó phải kể đến các loại thịt, thuỷ sản, rau quả, trái cây… Do đó, vai trò của kho lạnh ngày càng mang tính chiến lược. Nó góp phần điều tiết thị trường, đảm bảo chất lượng hàng hoá xuất nhập khẩu. Hiện, các DN kinh doanh kho lạnh ở Việt Nam đang chia làm hai, một là DN kho lạnh bảo quản, hai là DN kho lạnh kinh doanh. DN kinh doanh kho lạnh bảo quản là các kho lạnh của chính các DN chế biến, xuất khẩu và hệ thống kho lạnh này được dùng để lưu kho sản phẩm của DN. Gần đây các DN chế biến, xuất khẩu mới nhận thấy tầm quan trọng của kho lạnh bảo quản nên đã có những động thái xây dựng, mở rộng, nâng cấp thêm các kho lạnh này. Còn các DN chuyên kinh doanh kho lạnh là những DN chuyên dùng để cho thuê kho, với đội ngũ chuyên nghiệp và được đầu tư xây dựng hệ thống với công nghệ và kĩ thuật cao.
Tuy nhiên do chưa có quy hoạch tổng thể hệ thống DN kinh doanh kho lạnh nên hiện đang xảy ra tình trạng nơi thừa nơi thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu dự trữ nguyên liệu cho sản xuất xuất khẩu và dự trữ sản phẩm phục vụ cho phân phối tiêu dùng. Theo ông Trần Thái Nam, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Agrifrish, khác với các ngành xuất khẩu khác, như gạo được đầu tư hệ thống kho lưu trữ rất lớn, ngành thủy sản Việt Nam đang phải nỗ lực để xây dựng các kho lạnh chuyên dùng. Hầu hết các công ty hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản đều có mục đích xây kho để trước hết là lưu hàng của mình, khi nào thừa diện tích mới nhận hàng của các DN khác.
Nắm bắt được thực tế trên, vài năm trở lại đây, các DN logistic đã tăng cường đầu tư kho lạnh cho thuê. Trong đó, sự tham gia của DN nước ngoài đang rất sôi động. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, đầu tư và kinh doanh kho lạnh, một loại dịch vụ hậu cần cho xuất nhập khẩu, nằm trong chuỗi logistics, đang được nhiều DN quan tâm vì mức độ cần thiết ngày càng tăng. Hiện các kho lạnh đang mọc lên ồ ạt cũng tạo nhiều thuận lợi cho các DN chế biến và xuất khẩu thuỷ sản cũng như các DN dùng kho lạnh khác.
Rào cản từ hạ tầng
Tuy nhiên, trên thực tế, hiện các kho lạnh đang “chạy theo” cảng biển bởi kho lạnh sẽ hiệu quả nhất trong bán kính cách cảng khoảng 50km. Có lẽ vì lý do này mà hệ thống kho lạnh hiện nay chủ yếu được đầu tư xây dựng các khu vực quanh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh nhưng các khu vực khác thì còn thưa thớt. Đặc biệt kho lạnh ngoại quan phục vụ xuất khẩu thuỷ sản ở các tỉnh và các cửa khẩu phía Bắc còn rất thiếu. Theo ông Võ Việt Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Đầu tư Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội, trong năm nay Công ty sẽ xây dựng thêm một nhà máy cấp đông thịt lợn công suất lớn. Và một trong những khó khăn trong việc xây dựng nhà máy cấp đông được ông Dũng đề cập đến là quỹ đất để xây dựng. Hiện để tìm được một quỹ đất sạch, đủ điều kiện về vị trí để xây dựng nhà máy cấp đông khá là khó khăn.
Vì vậy, theo ông Trần Thái Nam, để đạt mục tiêu xây dựng hệ thống kho lạnh thủy sản đạt công suất 1,1 triệu tấn vào năm 2020, ngoài việc xây dựng một quy hoạch tổng thể hợp lý, Việt Nam cần có một chiến lược đầu tư dài hạn vào ngành công nghệ kho lạnh thủy sản. Trước hết là đầu tư về vị trí, ưu tiên những địa điểm thuận lợi tại các cảng đang xây dựng để thiết lập các kho lạnh của Việt Nam. Bởi hiện giá thuê đất tại các cảng hiện khá cao trong hoàn cảnh các DN thủy sản thường gặp rủi ro trong kinh doanh do thời tiết và dịch bệnh. Bên cạnh đó các DN nên xác định, phát triển ngành kho lạnh là điều cần thiết để xây dựng hậu cần cho chiến lược xuất khẩu trong thời gian tới. Uy tín, chất lượng sản phẩm phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống kho lạnh, nơi kiểm định, bảo quản sản phẩm trước khi cho xuống tàu.
Một khó khăn nữa đối với các doanh nghiệp kinh doanh kho lạnh là tỷ lệ tổn thất trung bình trong quá trình thu hoạch, chế biến, lưu trữ và vận chuyển nông sản ở Việt Nam hiện nay còn cao từ 25-30%, thậm chí ở mặt hàng trái cây rau quả tỷ lệ này có thể tăng lên 45%. Nguyên nhân chính là do năng lực vận chuyển và vận hành chuỗi cung ứng lạnh vẫn còn hạn chế. Theo ông Lương Quang Thi (Giám đốc Công ty ABA) là do khách hàng chỉ quan tâm đến vấn đề giá cả, khiến nhiều nhà cung cấp gặp khó khăn trong việc hoàn thành hợp đồng hoặc phải áp dụng các phương pháp cắt giảm chi phí gây ảnh hưởng đến chất lượng của hàng hóa và danh tiếng của khách hàng. Đôi khi khách hàng không muốn đầu tư cho các nhà cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp, dẫn đến việc bất ổn định trong quá trình vận chuyển hàng hóa, gia tăng rủi ro hàng hóa kém chất lượng.
Ông Thi cũng cho rằng, hiện ở Việt Nam chưa có DN nào thật sự nắm giữ thị trường cung ứng lạnh - mát. Nguyên nhân là do thị trường được nắm giữ bởi nhiều nhà cung ứng với nhiều phương pháp tổ chức, hoạt động và thẩm định khác nhau, làm cho hoạt động của chuỗi thường bị phân khúc trên từng giai đoạn thay vì vận hành một cách xuyên suốt. Để khắc phục điều này, theo ông Thi, các nhà cung ứng cần cùng nhau giữ vững uy tín chất lượng, đóng vai trò là một mắt xích quan trọng để xây dựng thị trường cung ứng kho lạnh tại Việt Nam trở nên vững mạnh và phát triển. Và những doanh nghiệp nào có chiến lược kinh doanh dài hạn, đầu tư bài bản sẽ có nhiều tiềm năng chiếm lĩnh thị trường và dẫn đầu ngành cung ứng kho lạnh tại Việt Nam.