PV: Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2023 (PAR Index 2023) vừa được công bố. Bộ Tài chính xếp vị trí thứ 3 trên bảng PAR Index - năm thứ 10 liên tiếp (2014-2023) nằm trong top 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu PAR Index... Ông có bình luận gì về vị trí xếp hạng của Bộ Tài chính? TS. Nguyễn Quốc Việt:PAR Index là một trong ba chỉ số (cùng với PAPI và SIPAS) đánh giá về mức độ hiệu quả và hài lòng về công tác hành chính của bộ máy nhà nước từ trung ương tới địa phương. Trong đó, PAR Index là chỉ số đầu tiên chú trọng gắn với công tác cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng của Việt Nam và các bộ ngành. Với chỉ số này, Bộ Tài chính trong 10 năm trở lại đây luôn đạt trên 80 điểm trên thang điểm 100 (loại tốt) và nằm trong top 3 đơn vị trung ương dẫn đầu. Việc duy trì được thứ hạng của mình trong suốt 10 năm qua phản ánh một cách khá khách quan, bền vững, ổn định nỗ lực của Bộ Tài chính nói riêng và các cơ quan của Bộ Tài chính về cải cách hành chính. PV: Ông ấn tượng với điều gì trong những thành tích về cải cách hành chính của Bộ Tài chính theo bảng xếp hạng PAR Index, thưa ông? TS. Nguyễn Quốc Việt: Đi sâu hơn vào các điểm thành phần trong Bảng xếp hạng PAR Index 2023, tôi đánh giá cao công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính của Bộ Tài chính, với điểm số đạt gần 94 điểm. Công tác này đã được thể hiện rõ nét ở việc đi từ nghị quyết, chính sách, chủ trương lớn không những của Bộ Tài chính mà là của Chính phủ, đưa Bộ Tài chính là một đầu mối quan trọng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đạt điểm số cao trong các chỉ số về cải cách tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công đạt trên 95 điểm, là những điểm số rất cao. Có thể thấy, điểm số này tương thích với việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Bộ Tài chính, giúp giảm thiểu và tinh gọn bộ máy và có những quy trình quản lý để đảm bảo chế độ công vụ minh bạch, rõ ràng, theo đúng các quy trình mà các nước hiện đại trên thế giới thường áp dụng. Vì vậy, tôi cho rằng những điểm số thành phần cao mà Bộ Tài chính đạt được là khá xác đáng. PV: Theo ông, những cải cách này đã có tác động thế nào tới người dân và doanh nghiệp, trong thời gian qua? TS. Nguyễn Quốc Việt:Có thể thấy, ngay bản thân việc xếp hạng liên tục 10 năm liền trong top 3 cơ quan hành chính trung ương đã phản ánh một phần mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với Bộ Tài chính. Chỉ số PAR Index có đến 1/3 điểm số và chỉ tiêu là đến từ việc khảo sát xã hội học, tức là đánh giá trực tiếp từ người dân và doanh nghiệp. Điều đó đã cho thấy mức độ hài lòng cao. Bên cạnh chỉ số PAR Index thì trong lĩnh vực hành chính còn có chỉ số PAPI và SIPAS. Nếu nhìn sang chỉ số SIPAS (Chỉ số sự hài lòng về sự phục vụ hành chính) thì ta cũng thấy có sự tương đồng là điểm hài lòng về các thủ tục hành chính liên quan đến khu vực tài chính cũng thường được đánh giá cao so với các lĩnh vực khác. Trên bình diện khác là chỉ số PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), khi được hỏi những câu hỏi liên quan đến cải cách về thủ tục tài chính, nhất là về thuế và hải quan thì khá nhiều doanh nghiệp cho rằng, công tác này đã đạt được rất nhiều tiến bộ, giúp cho doanh nghiệp trong những thủ tục để khởi sự doanh nghiệp và từ đó khiến cho chỉ số về khởi sự kinh doanh và thành lập doanh nghiệp của Việt Nam có tiến bộ đáng kể trên bảng xếp hạng về PCI cũng như bảng xếp hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu. Mức độ hài lòng đó cho thấy lĩnh vực tài chính công nói chung, đặc biệt là thuế và hải quan nói riêng có những tiến bộ rất đáng kể. PV:Và những nỗ lực đó đã đem lại những gì, hay nói cách khác cụ thể hơn là hỗ trợ thế nào cho sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế kinh tế? TS. Nguyễn Quốc Việt:Có thể thấy một điều rất rõ ràng là việc cải thiện môi trường kinh doanh tạo niềm tin và sự hứng khởi cho cộng đồng doanh nghiệp và sự tin tưởng vào môi trường kinh doanh của Việt Nam là một trong những yếu tố then chốt để doanh nghiệp trụ lại trong giai đoạn cực kỳ khó khăn vừa qua. Rõ ràng, cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Việc thực hiện các chính sách tài khóa trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, nhất là bối cảnh Covid và hậu Covid như là miễn, giảm, giãn, hoãn các khoản nghĩa vụ thuế, phí của doanh nghiệp và người dân nếu không có được sự cải một sự cải tổ, thuận lợi hóa từ công tác cải cách hành chính của Bộ Tài chính thì rất khó các chính sách này có hiệu quả thực sự. Theo đánh giá của các cơ quan nhà nước cũng như các tổ chức nghiên cứu tư vấn độc lập thì việc hỗ trợ cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế nói chung từ hỗ trợ tài khóa là chính sách và công cụ được coi là có hiệu quả nhất để duy trì hoạt động bình thường của nền kinh tế trong bối cảnh có Covid cũng như hỗ trợ cho quá trình phục hồi của nền kinh tế trong hậu Covid-19. Đó là điều có thể thấy rất rõ, không có gì phải bàn cãi. Bên cạnh đó, quá trình phục hồi và mở rộng của nguồn vốn FDI vào Việt Nam hậu Covid-19 cũng cho thấy sự đánh giá cao về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Việc Việt Nam thu hút được nhiều dòng vốn FDI đặc biệt là trong thời gian cuối năm 2023 và đầu năm 2024 là một điểm sáng về phục hồi kinh tế của Việt Nam. PV:Xin cảm ơn ông!
|