Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng trên? Phóng viên TBTCVN đã trao đổi với ông Hoàng Hải – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, xung quanh nội dung này.
* PV: Xin ông cho biết tình hình giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài tính đến thời điểm hiện nay?
- Ông Hoàng Hải: Tính đến ngày 31/7/2020, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn nước ngoài cho đầu tư phát triển, bao gồm cả giải ngân theo hình thức ghi thu ghi chi và cơ chế tài chính trong nước kế hoạch vốn 2020, đạt khoảng 15,58%, với trị giá 8.834 tỷ đồng. Trong đó, giải ngân của các bộ, ngành khoảng 3.016 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 16,56% so với dự toán được giao; giải ngân của các địa phương đạt trên 5.474 tỷ đồng, bằng 14,23% so với dự toán được giao. Nếu so với kết quả giải ngân của nguồn vốn đầu tư công trong nước, thì tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài thấp, có sự chênh lệch tương đối cao.
* PV: Vậy đâu là nguyên nhân chính, thưa ông?
- Ông Hoàng Hải: Các nguyên nhân chậm giải ngân được Bộ Tài chính báo cáo rõ tại hội nghị giải ngân vào tháng 6/2020 và trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào ngày 31/7/2020.
Nguyên nhân giải ngân chưa đạt tiến độ xuất phát từ nhiều lý do khách quan và chủ quan. Đánh giá từ góc độ khách quan cho thấy, nếu như hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 thì các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài thậm chí chịu tác động nặng nề hơn, do các dự án này sử dụng chuyên gia nước ngoài, nhà thầu giám sát nước ngoài, thậm chí nguyên vật liệu nhập từ nước ngoài,… nên chậm tiến độ triển khai các dự án.
Ông Hoàng Hải |
Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư của các dự án ODA, sử dụng vốn vay ưu đãi vẫn dài hơn các dự án đầu tư công trong nước, bởi còn phải chờ các nhà tài trợ có ý kiến không phản đối về các gói thầu, đối với từng hoạt động (như trường hợp của WB) cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án ODA nói chung.
Ngoài yếu tố nguyên nhân khách quan, cũng phải nhìn nhận một cách thẳng thắn là các chủ dự án chưa thực sự tích cực trong việc đôn đốc giải ngân. Các cơ quan chủ quản dự án chưa giao giải ngân đến các chủ dự án và chưa thực sự coi đây là nhiệm vụ quan trọng. Tất nhiên, một số bộ, ngành địa phương cũng đã có biểu hiện tích cực khi thành lập các nhóm ban chỉ đạo để đôn đốc giải ngân, hàng tháng giao ban giải quyết vướng mắc,… như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, UBND TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh,… Tuy nhiên, nhiều địa phương khác chưa triển khai được nhiệm vụ này. Vì vậy, trong năm 2020 cho thấy tình trạng trả dự án lại cũng đã xảy ra.
* PV: Trước tiến độ như vậy, Bộ Tài chính có giải pháp gì, cũng như kiến nghị gì để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này, thưa ông?
- Ông Hoàng Hải: Tại báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có nhiều đề xuất, kiến nghị giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Theo đó, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần có cam kết lại rõ ràng và cụ thể về chỉ tiêu hoàn thành tiến độ giải ngân; đồng thời gửi cam kết đó tới Bộ Tài chính để cùng giám sát thực hiện.
Các chủ dự án phải coi việc giải ngân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Cơ quan chủ dự án có trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thành kế hoạch giải ngân đã được Chính phủ giao. Trong trường hợp các dự án thấy không thể hoàn thành (trường hợp bất khả kháng) thì ngay trong tháng 8/2020, các địa phương cần báo cáo với Thủ tướng Chính phủ (qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính) về điều chỉnh lại dự toán để được giao sát với thực tế tiến độ giải ngân.
Bộ Tài chính cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương chủ động chỉ đạo các chủ dự án, ban quản lý phải đẩy khối lượng thực hiện một cách nhanh nhất. Nếu có những vướng mắc chủ dự án phải báo cáo cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản của mình để giải quyết, kể cả tiến độ dự án, vấn đề liên quan tới thanh toán. Đối với những dự án không đủ tiêu chuẩn thì phải báo cáo ngay, điều chuyển vốn cho những đơn vị khác,… Đây là những thông điệp chính của kế hoạch thực hiện từ nay đến cuối năm 2020.
Về phía Bộ Tài chính, có trách nhiệm xử lý đơn rút vốn nhanh nhất có thể, bất kỳ hồ sơ nào có đủ thủ tục là Bộ Tài chính triển khai ngay việc ký đơn rút vốn để gửi cho nhà tài trợ kịp thời có vốn cho các dự án thực hiện.
* PV: Xin cảm ơn ông!
Thành lập các nhóm đôn đốc trực tiếp chủ dự án Hiện nay nhiều chủ dự án có khối lượng hoàn thành, có kiểm soát chi nhưng chưa thực hiện thủ tục giải ngân. Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) thành lập các nhóm làm việc trực tiếp với chủ dự án, để đôn đốc khẩn trương gửi ngay hồ sơ đơn rút vốn cho Bộ Tài chính. |
-------------------------------------------------------------------------------------------
* TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng:
Nhiều bài học từ vướng mắc giải ngân ODA
TS. Nguyễn Đức Kiên |
Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân do chúng ta chuyển đổi cơ chế. Chẳng hạn như tuyến Metro số 1 của TP. Hồ Chí Minh, khi chúng ta đang đáp ứng yêu cầu thì TP. Hồ Chí Minh lại xin Nghị quyết 52 của Quốc hội về cơ chế tài chính đặc thù, theo đó chuyển từ ngân sách trung ương về ngân sách địa phương nên phải có giai đoạn chuyển tiếp khiến dự án bị chậm.
Một nguyên nhân nữa là chúng ta chuẩn bị vốn đối ứng cho dự án ODA chưa phù hợp. Hiện nay chỉ có khoảng 16 tỉnh, thành tự chủ được ngân sách và có đóng góp về trung ương, còn lại 47 tỉnh, thành ngân sách trung ương phải hỗ trợ. Khi được phân vốn ODA, thì bản thân các địa phương này thu không đủ chi, nên họ lại chờ trung ương bố trí xuống thì mới có vốn đối ứng để làm. Vấn đề này xuất phát từ hai phía, một là địa phương còn thiếu tính năng động, sáng tạo và chịu trách nhiệm, hai là sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa tốt nên không cân đối hỗ trợ được vốn đối ứng cho địa phương, khiến việc triển khai bị chậm.
Do đó, vấn đề ở đây là các địa phương phải chủ động hơn nữa, phải xác định được đâu là công trình quyết định với tăng trưởng của địa phương, có tác động cải thiện đời sống nhân dân địa phương mình để có thể chủ động giãn bớt các công trình đầu tư khác và tập trung vốn làm đối ứng cho ODA. Còn nếu dự án ODA đó chưa phải trọng điểm thì chứng tỏ chúng ta xác định dự án ODA chưa chuẩn, chưa phải là cấp bách của địa phương đó.
Đức Minh - Hoàng Yến (thực hiện)