Chỉ số tăng trưởng, thanh khoản đi lênQuán tính tăng trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam mạnh lên trong tháng 7. VNIndex đóng cửa phiên cuối tháng ở ngưỡng 1.222,9 điểm, tăng 9,2% so với tháng trước và nâng tăng trưởng điểm số từ đầu năm lên 21,4%. Thanh khoản bình quân theo đó cũng tăng 8% so với tháng 6 lên mức cao 18,4 nghìn tỷ đồng/phiên. Mức tăng này cũng tốt hơn nhiều TTCK khác trong khu vực. TTCK Việt Nam tiếp tục hưởng ứng tích cực với chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ hồi phục kinh tế, bên cạnh chính sách tài khóa dần đi vào thực tiễn (đầu tư công, giảm thuế VAT…). Đồng thời, mùa cao điểm kết quả kinh doanh quý II/2023 với bức tranh chung đã cho thấy những dấu hiệu hồi phục ban đầu dù vẫn chưa có sự bứt phá. Yếu tố tác động tích cực bên ngoài, Mỹ nâng lãi suất điều hành thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 7 hoàn toàn nằm trong dự đoán, cùng kỳ vọng nền kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm” khi lạm phát cho tín hiệu ban đầu hạ nhiệt cũng giúp tâm lý đầu tư ổn định. Các chuyên gia SSI cho rằng, dòng tiền trong tháng 7 có sự luân chuyển và tìm kiếm cơ hội tại các nhóm ngành chưa tăng nhiều ở nửa đầu năm. Phần lớn đó là các nhóm ngành cần sự hỗ trợ từ chính sách của Chính phủ như bất động sản, tiêu dùng thiết yếu và tiêu dùng không thiết yếu.
Nhìn chung, với nhiều câu chuyện hỗ trợ đã đề cập trong báo cáo tháng trước, các nhóm ngành đều tăng trưởng dương trong tháng; trong đó vượt trội mặt bằng chung ghi nhận ở các nhóm công nghệ thông tin, công nghiệp và vật liệu xây dựng theo sau nhóm bất động sản và tiêu dùng.
Dòng tiền chảy mạnh vào chứng khoán và các chính sách của Chính phủ phát huy tác dụngĐiểm sáng đến từ khối tổ chức khi các tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài lần lượt mua ròng 1,6 nghìn tỷ đồng và 730 tỷ đồng trong tháng 7. Ngược lại, sau giai đoạn liên tục mua ròng trong quý II/2023 và đem lại lợi suất tốt trong chu kỳ đi lên của thị trường, nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước đang có động thái chốt lời ngắn hạn. Cụ thể, nhóm nhà đầu tư này đảo chiều bán ròng 1,1 nghìn tỷ đồng trong tháng 7, tập trung tại nhóm vật liệu với gần 2,7 nghìn tỷ đồng. Khối ngoại có tháng bán ròng thứ 4 liên tiếp với giá trị 812 tỷ đồng, nâng quy mô bán ròng từ đầu năm lên mức 1,1 nghìn tỷ đồng. Tỷ trọng giao dịch của khối ngoại trên sàn HOSE vẫn ở mức thấp trong những tháng gần đây, quanh ngưỡng 7 – 8%. VN-Index vượt mục tiêu kỹ thuật đã đưa ra trong báo cáo tháng 7 và vượt lên trên vùng cản tâm lý 1.200 điểm. Báo cáo từ SSI cho thấy, trên biểu đồ trung hạn, sau khi tiếp giáp vùng 1.220 -1.230, chỉ số VNIndex chưa có dấu hiệu suy yếu sau quá trình tăng trưởng bắt đầu từ tháng 6/2023. Thanh khoản lớn đi kèm động lực tăng trưởng vừa qua cho thấy dòng tiền liên tục chảy mạnh vào TTCK. Ở các chỉ báo kỹ thuật, chỉ báo RSI và ADX vận động trong vùng tín hiệu mạnh. Cho đánh giá sức mạnh xu hướng hiện tại duy trì với cường độ tích cực, đồng thời thể hiện nhịp tăng trưởng của chỉ số VNIndex khả năng sẽ tiến tới mục tiêu trung hạn 1.295 - 1.305 trong tháng 8/2023, khi dòng tiền đang ủng hộ cho sự đi lên của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Mặc dù vậy, trong xu hướng tăng luôn kèm theo áp lực rung lắc mạnh khi TTCK càng đi lên vùng cao. Trường hợp chỉ số VNIndex không giữ vững điểm số trong vùng 1.160 - 1.180 khi diễn ra điều chỉnh, nhà đầu tư cần thu gọn danh mục về trạng thái cân bằng với khẩu vị rủi ro.
|