Hàng nghìn hồ sơ giải quyết bị quá hạn Theo báo cáo trong 9 tháng đầu năm 2014 của 5 Cục Thuế lớn của cả nước là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng vẫn tồn tại một lượng lớn hồ sơ liên quan đến thủ tục đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế, miễn giảm thuế, hoá đơn... quá hạn giải quyết (gồm hồ sơ quá hạn đã giải quyết xong và hồ sơ quá hạn chưa giải quyết xong). Tại Cục Thuế Hà Nội đã tiếp nhận 6.322.655 hồ sơ; trong đó số hồ sơ đã giải quyết đúng hạn là 6.320.405; đã giải quyết nhưng bị quá hạn là 1.231 hồ sơ; số hồ sơ chưa giải quyết xong quá hạn là 28 hồ sơ. Cục Thuế Hải Phòng tiếp nhận 227.879 hồ sơ; số hồ sơ đã giải quyết xong đúng hạn là 227.793, quá hạn là 78 hồ sơ; số hồ sơ chưa giải quyết xong là 8 hồ sơ. Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận 9.951.682 hồ sơ; giải quyết xong đúng hạn là 399.431 hồ sơ; hồ sơ đã giải quyết xong nhưng quá hạn là 8.378 hồ sơ... Theo cơ quan Thuế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ trong giải quyết hồ sơ thuế cho DN như: Phải xin ý kiến thẩm định của cơ quan, ban ngành với những trường hợp miễn giảm tiền thuê đất trước khi trình HĐND và UBND thành phố ra quyết định. Mặt khác, có một số hồ sơ phức tạp, các sở ngành và UBND tỉnh, thành phố chưa có đủ căn cứ giải quyết phải tiếp tục xin ý kiến Tổng cục Thuế. Nguyên nhân chậm trễ là do cơ quan Thuế không đủ nhân lực để giải quyết. Hiện nay hồ sơ hoàn thuế Thu nhập cá nhân (đồng thời là hồ sơ quyết toán thuế Thu nhập cá nhân phát sinh nhiều vào quý I và II trong năm (nhất là vào tháng 3) thời gian giải quyết theo quy định ngắn; trong khi đó đội ngũ cán bộ thuế thụ lý trong tình trạng quá tải nên không giải quyết kịp thời cho DN. Ngoài ra, các Cục Thuế cũng cho rằng, hồ sơ quyết toán để lập thủ tục giải thể của DN trong thời gian qua cũng tăng đột biến so với nhân lực thuế hiện có của Cục thuế và Chi cục thuế trực thuộc nên khó tránh khỏi việc giải quyết hồ sơ chưa đúng hạn. Còn không ít trường hợp những hồ sơ liên thông do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc Phòng Tài nguyên Môi trường quận, huyện chuyển sang thiếu thông tin như: Vị trí, diện tích, nguồn gốc đất... nên cơ quan Thuế phải trả lại hồ sơ dẫn đến thời gian giải quyết chậm. Không chỉ cơ quan Thuế địa phương gặp khó mà ngay Tổng cục Thuế, có hồ sơ thuế trong quá trình thụ lý cũng bị kéo dài do vừa đáp ứng tiêu chí giải quyết đúng quy định của pháp luật nhưng đồng thời cũng tháo gỡ khó khăn cho DN, Tổng cục Thuế phải xin ý kiến các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, các bộ khác có liên quan như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Y tế..., thậm chí tham khảo ý kiến của cơ quan Thuế nước ngoài để giải quyết cho DN. Điện tử hóa cơ chế phối hợp Hiện nay một trong những thuận lợi trong thực hiện các quy định hành chính và thủ tục hành chính của cơ quan Thuế chính là việc xây dựng đầu mối, danh sách cán bộ phụ trách công tác cải cách hành chính, công tác kiểm soát thủ tục hành chính ở các đơn vị thuộc Tổng cục Thuế, Cục thuế. Hồ sơ thủ tục hành chính về thuế đã được đơn giản hoá, nhiều thủ tục hành chính đã được sửa đổi, thay thế cho phù hợp với thực tế như: Thủ tục hành chính về kê khai đã được lược bỏ nhiều chỉ tiêu kê khai, từ đó tạo thuận lợi cho người nộp thuế khi thực hiện giao dịch hành chính với cơ quan Thuế. Tuy nhiên, chính sách quy định về thuế thay đổi liên tục khiến cả công chức thuế và người nộp thuế gặp nhiều lúng túng trong áp dụng vào thực tế. Một số Thông tư hướng dẫn Nghị định ban hành còn chậm nên có một khoảng thời gian chưa có biểu, mẫu để áp dụng thống nhất gây khó khăn trong giải quyết các thủ tục hành chính về thuế. Việc nâng cấp các ứng dụng chưa kịp thời khi có sự thay đổi về chính sách, thủ tục về thuế đã gây không ít khó khăn cho cả cơ quan Thuế và DN trong các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết hồ sơ. Để khắc phục tình trạng này, theo Tổng cục Thuế, hệ thống chính sách pháp luật và các văn bản hướng dẫn khi được ban hành cần có tính chất nhất quán, kịp thời, ổn định lâu dài, tạo điều kiện cho cơ quan Thuế cũng như người nộp thuế thực hiện; Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong phối hợp bộ, ngành liên quan để xây dựng một cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành, qua đó giảm thiểu thời gian tìm kiếm thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính về thuế. |