Đã quản lý hiệu quả, huy động vốn cho nền kinh tế ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) bày tỏ sự thống nhất cao với quy định tại Điều 9 của dự thảo luật và một số ĐB phát biểu trước đó. ĐB cho rằng, nên quy định UBCKNN là cơ quan thuộc Bộ Tài chính trực tiếp quản lý và giám sát hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK). ĐB nhận định, sau 10 năm đổi mới, bước đầu hội nhập vào thị trường vốn theo cơ chế thị trường, tháng 11/1996 cơ quan UBCKNN được thành lập và thuộc Chính phủ. Với những lý do chủ quan và khách quan, đến tháng 2/2004 Chính phủ quyết định UBCKNN thuộc Bộ Tài chính, quản lý sát sao và chặt chẽ bằng những cơ chế, chính sách pháp luật phù hợp và hiệu quả, đồng thời quản lý hai Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. “Qua 15 năm hoạt động, Bộ Tài chính đã quản lý UBCKNN từng bước ổn định, góp phần quan trọng trong quản lý thị trường vốn và góp phần quan trọng cho nền kinh tế quốc dân” - ĐB Nguyễn Tạo nói. ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, tại một số nước, UBCKNN hoạt động như mô hình độc lập thuộc Chính phủ, tuy nhiên trong điều kiện của nước ta, vẫn cần sự hỗ trợ về chính sách, nguồn lực nhà nước. Đồng thời, hiện nay TTCK mặc dù đã phát triển, nhưng vẫn “chưa lớn”. Để tránh xáo trộn, thống nhất đầu mối, nữ ĐB thống nhất với quan điểm của Chính phủ, đó là UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính. ĐB Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) cũng đồng quan điểm khi cho rằng, UBCKNN là cơ quan thuộc Bộ Tài chính trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động về chứng khoán và TTCK là phù hợp. Tuy nhiên, ĐB đề nghị, về chức năng, nhiệm vụ cụ thể của UBCKNN cần được điều chỉnh một số quy định nhằm bảo đảm ủy ban có đủ thẩm quyền theo chuẩn mực thông lệ quốc tế. “Nếu cần thì tăng thêm thẩm quyền cho UBCKNN” Cũng đồng tình với quan điểm của một số ĐB, ĐB Mai Hồng Hải (TP Hải Phòng) bày tỏ thống nhất với ý kiến thứ hai là UBCKNN vẫn trực thuộc Bộ Tài chính như luật hiện hành để đảm bảo ổn định. Bởi vì, theo báo cáo tổng kết đánh giá 10 năm thi hành Luật Chứng khoán và thực tế việc quy định UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính không có tồn tại khó khăn gì lớn. Bên cạnh đó, hồ sơ trình dự án luật của Chính phủ không có phương án quy định UBCKNN trực thuộc Chính phủ, nên không có nghiên cứu đánh giá tác động của phương án này. Mặt khác, quy định thêm đầu mối trực thuộc Chính phủ là chưa phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 18- NQ/TW Trung ương 6 khóa 12. “Dự thảo luật đã sửa đổi theo hướng mở rộng và trao quyền chủ động cho UBCKNN trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động về chứng khoán và tổ chức TTCK. Nếu cần thiết thì đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định thêm để đảm bảo tính độc lập, quyền chủ động hơn nữa cho UBCKNN” - ĐB Mai Hồng Hải đề nghị. Đặt vấn đề dưới góc nhìn ngược lại, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đặt các câu hỏi: Nếu UBCKNN thuộc Chính phủ sẽ tăng tính độc lập bằng cách nào; đảm bảo chủ động, kịp thời khi xử lý các tình huống biến động ra sao; và liệu có nâng cao được trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán không hay trách nhiệm đó chỉ cần quy định rõ ràng cụ thể trong Luật Chứng khoán?… Còn ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cũng có cách nhìn khác. ĐB băn khoăn khi cho rằng, nếu đặt vấn đề vì vai trò quan trọng của TTCK mà cần phải đặt Ủy ban Chứng khoán trực thuộc Chính phủ, thì các loại thị trường khác như thị trường tiền tệ, thị trường hàng hóa, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ... đều là các thị trường vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế đất nước. Vậy các cơ quan quản lý các thị trường này tới đây liệu có phải trực thuộc Chính phủ không? “Trong điều kiện cần phải tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế tôi đề nghị chưa nên đặt vấn đề Ủy ban Chứng khoán là cơ quan trực thuộc Chính phủ, nên giữ như hiện nay nhưng sửa luật, sửa các quy định liên quan để tăng tính độc lập, tăng thêm thẩm quyền của UBCKNN” - ĐB Trần Văn Lâm kiến nghị./.
Minh Anh |