Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2024 sẽ khởi sắc hơn Cơ chế để dòng tín dụng thêm "mạnh dạn" và hiệu quả Doanh nghiệp xoay xở khơi thông áp lực dòng tiền |
Nhiều giải pháp khơi thông dòng chảy tín dụng đang được thực hiện Ảnh minh họa: ST |
Nhiều cải thiện nhưng vẫn tắc
Hiện nay tại một số ngân hàng, tín dụng đã có phần khởi sắc hơn nhờ triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy cho vay như tăng cường kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, ứng dụng cho vay trên nền tảng số… cũng như đưa ra các gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo liên quan đến thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tại các nghị quyết, công điện, chỉ thị. Mới đây nhất, tại Công điện số 32/CĐ-TTg ngày 5/4/2024 về các giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa yêu cầu thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, nhất là về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, NHNN cần tuyệt đối không để ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm, bảo đảm thực hiện được các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra trong năm 2024 và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Với các ngân hàng thương mại, Công điện 32 yêu cầu tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…, nỗ lực phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Các ngân hàng cần phát huy tinh thần cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển bền vững, lâu dài. |
Theo đại diện Techcombank, từ đầu năm 2024 đến nay, ngân hàng này đã triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Do vậy, mức tăng trưởng tín dụng của Techcombank sau hai tháng đầu năm khoảng 3-4%, riêng mảng khách hàng doanh nghiệp đã phục hồi mạnh mẽ gần 7% nhờ sự khởi sắc của xuất khẩu.
Cũng về vấn đề này, đại diện HDBank cho hay, đến cuối tháng 2/2024, tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng này đạt 346.506 tỷ đồng, tăng 2,71% so với năm 2023. Bà Đinh Thị Thu Thảo, Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân ACB cho biết, trong quý 1/2024, ACB tăng trưởng tín dụng 3,7%, trong đó cho vay cá nhân tăng 3,8% và cho vay doanh nghiệp tăng 3,5%.
Tuy nhiên, tính theo số liệu chung từ NHNN, đến ngày 27/3, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt hơn 13,651 triệu tỷ đồng, tăng 0,61% so với cuối năm 2023. Dù thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng tại cùng kỳ năm 2023 là hơn 2%, nhưng cũng đã có sự đảo chiều từ mức -0,72% cuối tháng 2/2024. Theo NHNN, để thúc đẩy tín dụng, ngay từ đầu năm, ngành ngân hàng đã tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Hiện lãi suất bình quân cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phần lớn ngân hàng đã công khai lãi suất cho vay bình quân và chênh lệch lãi suất bình quân trước ngày 10/4. Chẳng hạn Vietcombank có lãi suất cho vay bình quân là 6,4%/năm, Agribank là 7,47%/năm, VietinBank là 6,3%/năm, BIDV là 6,49%/năm. Tại các ngân hàng thuộc nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất cho vay bình quân cũng được công bố như TPBank là 7,76%/năm; Vietbank là 9-9,5%/năm; OCB là 9,29%/năm đối với doanh nghiệp; VIB là 7,69%/năm đối với doanh nghiệp…
Những vấn đề trên cho thấy, lãi suất đã giảm thấp và công khai để tăng tính cạnh tranh, hạn mức tăng trưởng tín dụng đã được NHNN giao cho ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm với 15% nên vốn không thiếu… thì rõ ràng còn nhiều "rào cản" trong tiếp cận vốn trong các doanh nghiệp. TS. Trương Văn Phước, Nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã ví von, việc tắc tín dụng giống như “người chạy xe thấy đèn xanh mà không chạy được”, nên phải xem xét ở nhiều góc độ.
Tín dụng không thể bất chấp đẩy mạnh ồ ạt
Chia sẻ về thực trạng của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa TPHCM cho biết, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, phải thu hẹp sản xuất, giảm quy mô kinh doanh, nên nhu cầu vay vốn ngân hàng cũng giảm theo.
Khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, dù có tích cực hơn so với giai đoạn quý 1/2023 và với quý 4/2022, nhưng hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 1/2024 vẫn khó khăn hơn quý 4/2023. Nguyên do chính vẫn là cầu thị trường xuất khẩu và nhu cầu thị trường trong nước sụt giảm. Vì thế, vẫn có khoảng 18% doanh nghiệp lo ngại hoạt động sản xuất - kinh doanh sẽ khó khăn hơn trong quý 2/2024.
Chính vì doanh nghiệp còn khó khăn nên đã dẫn tới số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong quý 1/2024 là 73.490 doanh nghiệp, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn hẳn con số 59.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong cùng thời gian trên.
Mới đây nhất, Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành, bởi lượng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đều giảm mạnh, khiến doanh nghiệp có nguy cơ phá sản hoặc bán một phần nhà máy cho nước ngoài.
Hơn nữa, ông Nguyễn Đình Tuệ cũng nhìn nhận một thực tế là nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa dễ tiếp cận vốn tín dụng vì đa số còn khó khăn về tài sản đảm bảo, hạch toán chưa minh bạch, quản trị còn yếu kém… Chính vì thế, theo các chuyên gia, ngân hàng vẫn chưa mạnh dạn đẩy mạnh cho vay do nhiều lo ngại ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tín dụng.
Tại Hội thảo "Khơi thông nguồn vốn ra thị trường" mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhận định , nợ xấu đang có xu hướng tăng nhanh, nên ngân hàng không thể đẩy mạnh tín dụng một cách ồ ạt, bất chấp các tiêu chuẩn để nền kinh tế gánh nợ xấu rất lớn, trở thành "cục máu đông" như cách đây hơn 10 năm mà phải xử lý cho đến bây giờ vẫn chưa hết.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối năm 2023 là 4,55% tổng dư nợ. Riêng năm 2023 tăng 2,03% nợ xấu nội bảng, chưa kể là các khoản nợ xấu được tạm thời cơ cấu lại, bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) chưa được xử lý… Nên theo Phó Thống đốc NHNN, doanh nghiệp đổ vỡ thì cũng chỉ doanh nghiệp đó bị phá sản, còn ngân hàng đổ vỡ thì ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.
Từ những vấn đề nêu trên, các doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, thúc đẩy tín dụng cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Theo đó, Nhà nước cần tăng cường các giải pháp kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Các ngân hàng được đề nghị nên hạ lãi suất đối với các khoản vay cũ, đồng thời tiếp tục đơn giản thủ tục cho vay, tăng cho vay tín chấp, thực hiện giãn hoãn nợ... Đối với người đi vay, doanh nghiệp cần chủ động ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành… qua đó đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
TS. Cấn Văn Lực (ảnh), thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia: Không lo thiếu vốn, cần sự phối hợp chính sách Doanh nghiệp Việt Nam không lo thiếu vốn. Nhưng bên cạnh tín dụng, cũng cần khai thông các kênh huy động vốn khác, nhất là trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt, các cơ quan quản lý cần nâng cao hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định vĩ mô, bình ổn tỷ giá, thị trường tài chính - tiền tệ, đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, chính sách tài khóa giữ vai trò chủ lực, mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, gắn với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; chính sách tiền tệ đóng vai trò hỗ trợ, theo hướng chủ động, linh hoạt, tăng khả năng tiếp cận tín dụng gắn với kiểm soát rủi ro và xử lý nợ xấu; chú trọng kiểm soát rủi ro hệ thống (liên thông giữa ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm – bất động sản). Đồng thời, các thông tư về cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và về cơ cấu lại nợ nên được sớm sửa đổi, góp phần tháo gỡ vướng mắc và tăng tính chủ động cho các tổ chức tín dụng và bên vay. |