“Điểm sáng” phục hồi kinh tế Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm 2022 đã có nhiều gam màu sáng nổi bật. Điển hình là kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2022 đạt xấp xỉ 674 tỷ USD, trong đó cán cân thương mại đạt thặng dư lớn với con số xuất siêu 10,6 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước đạt 1.638 nghìn tỷ đồng, bằng 116,1% dự toán, tăng 17,4% so cùng kỳ năm 2021; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 5,1 triệu tỷ đồng, tăng 17,5%; giải ngân vốn FDI đạt 19,68 tỷ USD cao nhất 5 năm qua… Cùng với cả nước trải qua một năm 2022 đầy khó khăn, thách thức sau dịch Covid-19, Thủ đô Hà Nội - với vai trò là một trung tâm kinh tế - chính trị, đầu tàu, đã có đóng góp xứng đáng vào tăng trưởng chung của cả nước. Theo đó, những con số về kinh tế - xã hội được đưa ra tại phiên họp Hội nghị lần thứ mười, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII vừa diễn ra đã cho thấy sức bật tăng trưởng, phục hồi ở 1 trong 2 trung tâm lớn nhất cả nước. Thông tin về kết quả kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội trong năm 2022, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, năm 2022, thành phố đã đạt và vượt tất cả 22/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế tăng trưởng khá cao, ước đạt 8,8%, cao hơn mức bình quân chung cả nước (khoảng 8%). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 332.961 tỷ đồng, đạt 106,8% dự toán, tăng 2,7% so với thực hiện năm 2021. Tổng chi ngân sách địa phương dự kiến 100.567 tỷ đồng, đạt 94,1% dự toán giao đầu năm, trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 90,1% dự toán; chi thường xuyên đạt 95,5% dự toán. Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 774,1 nghìn tỷ đồng; GRDP/người đạt mức 142,3 triệu đồng. Thành phố Hà Nội đã thực hiện giảm thuế Giá trị gia tăng cho trên 72.000 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh với tổng số thuế được giảm trên 13.000 tỷ đồng; gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho gần 19.000 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh với tổng số tiền gần 12.000 tỷ đồng;… Tương tự, vượt qua những khó khăn, thách thức, đầu tàu kinh tế TPHCM ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ với những thành tựu quan trọng. Theo báo cáo của UBND TPHCM, trong 11 tháng năm 2022, thu ngân sách có sự tăng trưởng tích cực, ước đạt 457.500 tỷ đồng, đạt 118,35% dự toán được giao và tăng 17,05% so với cùng kỳ năm 2021. TPHCM hiện đang dẫn đầu thu ngân sách cả nước khi hoàn thành kế hoạch thu ngân sách từ tháng 10/2022. Song song đó, trên địa bàn thành phố ước tăng 9,03% so với cùng kỳ (năm 2021 tăng trưởng kinh tế TPHCM giảm sâu 6,78%) và vượt kế hoạch đề ra là 6-6,5% trong năm 2022. Đáng chú ý, theo số liệu Tổng cục Hải quan vừa công bố, hết tháng 11, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu của TPHCM đạt 101,58 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 43,62 tỷ USD, nhập khẩu 57,96 tỷ USD. Trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước, TPHCM có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất và là địa phương đầu tiên đạt quy mô 100 tỷ USD trở lên, tính hết tháng 11. Cùng với đó, việc thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2022-2025 tiếp tục phát huy tác dụng, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá. Các dự án công trình trọng điểm được triển khai theo đúng kế hoạch, việc tháo gỡ khó khăn các dự án đầu tư đã tác động tích cực đến môi trường đầu tư. Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính tiếp tục được xác định là công tác trọng điểm và được thực hiện quyết liệt, chặt chẽ. TPHCM đã đề ra nhiều giải pháp tập trung rà soát, quyết tâm thực hiện đạt và vượt 19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 cùng với 89 nhiệm vụ công tác cải cách hành chính năm 2022. Nhiều khó khăn, thách thức Dù vậy, theo các chuyên gia, kinh tế - xã hội hai thành phố lớn nhất cả nước hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Phát biểu tại hội nghị triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán thu chi ngân sách, tổng biên chế hành chính, sự nghiệp, khoa học và công nghệ năm 2023 diễn ra ngày 12/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, kinh tế tăng trưởng tốt, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của cả nước. Nội lực của nền kinh tế có sự cố gắng lớn của cộng đồng doanh nghiệp, các hộ kinh doanh. Môi trường đầu tư kinh doanh đã có những cải thiện rõ rệt; góp phần ổn định giá cả, thị trường… Tuy nhiên, năm 2023, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) là 7%; tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP bình quân đầu người) đạt khoảng 150 triệu đồng (năm 2022 ước đạt 142 triệu); vốn đầu tư tăng 10,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 6%; kiểm soát chỉ số giá dưới 4,5%; giảm 30% hộ nghèo so với cuối năm 2022... người đứng đầu thành phố Hà Nội đề nghị tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, quyết liệt trong thu ngân sách và đẩy nhanh tiến độ đầu tư công. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng nhìn nhận, kinh tế TPHCM có độ mở lớn, chịu tác động trực tiếp trước các biến động của tình hình quốc tế; thị trường tài chính, tiền tệ đối mặt với áp lực ngày càng tăng, các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản suy giảm. Cùng với đó, tình trạng khan hiếm xăng dầu cục bộ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp. Trong khi đó dịch bệnh dù được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn khả năng diễn biến phức tạp. Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Sở Lao động Thương binh Xã hội TPHCM cho biết, những ngày cuối năm 2022, một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực may, da giày, chế biến gỗ gặp khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu. Ghi nhận, đơn hàng bắt đầu giảm từ quý 4/2022, dự kiến kéo dài đến quý 1/2023. Theo thống kê, hiện trên địa bàn TPHCM có 328 doanh nghiệp với 53.638 người lao động ảnh hưởng do sụt giảm đơn hàng. Các doanh nghiệp cố gắng duy trình lao động bằng cách không bố trí làm thêm giờ, giảm giờ làm, nghỉ 1 ngày hoặc một số ngày trong tuần, cho nghỉ phép năm... Trước bối cảnh đó, năm 2023, tại kỳ họp thứ 8 HĐND TPHCM khóa X diễn ra từ ngày 7-9/12 vừa qua, TPHCM đặt mục tiêu giữ vững ổn định, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế; ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục phục hồi, duy trì và tăng trưởng, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, tập trung cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư. Tháo gỡ những điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, hấp thụ nhanh và huy động đa dạng các nguồn vốn đầu tư; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm, các dự án hạ tầng, giao thông, đô thị. Tạo bước chuyển biến mang tính đột phá về chuyển đổi số và phát triển kinh tế tri thức gắn với khai thác tiềm lực khoa học, công nghệ. TPHCM cũng đặt ra 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023 nhằm thực hiện tốt chủ đề năm và phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, TPHCM chủ động, linh hoạt trong điều hành kinh tế – xã hội; tập trung tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu cao; tập trung phát triển thị trường.
|