Theo ông Trần Việt Hùng - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, qua 3 năm thực hiện, Đề án nâng cao chất lượng tín dụng chính sách vùng Tây Nguyên đã thành công với các con số ấn tượng.
Kết quả này thể hiện ở tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến ngày 31/10/2015 là 16.278 tỷ đồng, với gần 700 ngàn hộ còn dư nợ, tăng 4.883 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2012, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 8,96%, trong khi tốc độ tăng trưởng chung toàn quốc là 7,76%, đạt cao hơn 1,2%. Trong đó, dư nợ cho vay bằng nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt 15.564 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 95,6% trên tổng dư nợ; dư nợ cho vay bằng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 714 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,4% trên tổng dư nợ.
Một chuyển biến tích cực nhất qua quá trình triển khai Đề án là sự vào cuộc của chính quyền, các hội, đoàn thể nhận uỷ thác, từ đó giúp nâng cao chất lượng tín dụng và quản lý vốn vay của NHCSXH.
Trước đây, nợ quá hạn ở khu vực Tây Nguyên của NHCSXH cao hơn bình quân chung của toàn quốc và tiềm ẩn nợ quá hạn có chiều hướng gia tăng. Tổng dư nợ cho vay ở khu vực Tây Nguyên lúc đó chiếm tỷ trọng 11% dư nợ của toàn quốc của NHCSXH, trong khi đó tổng số nợ quá hạn gần chiếm tỷ trọng 13,2% nợ quá hạn của toàn quốc. Qua 3 năm thực hiện Đề án và 2 năm phối hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, tỷ lệ nợ quá hạn địa bàn Tây Nguyên đã xuống bằng bình quân chung của toàn hệ thống NHCSXH và giữ ổn định từ giữa năm 2014 đến nay.
Công tác phối hợp giữa các hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn, Trưởng buôn, làng trong việc bình xét cho vay được thực hiện công khai và chất lượng, qua đó nâng cao được trách nhiệm quản lý, giám sát sử dụng vốn vay; khách hàng vay vốn đã có chuyển biến về ý thức được có vay, có trả, chấp hành khá tốt quy định nộp tiền lãi và gửi tiền tiết kiệm theo định kỳ hàng tháng, trả nợ vay khi đến hạn.
D.A