VHO - Từ câu chuyện của gameshow Nữ hoàng vũ đạo đường phố (tựa gốc: Street woman fighter) đang phát sóng,ìmchỗđứket quả cup c2 có thể thấy, chương trình truyền hình về mảng này tại Việt Nam vẫn chưa tạo được sức hút mạnh mẽ.
Phần vì phải cạnh tranh gắt gao với các show diễn hài hay âm nhạc đang ăn khách, phần vì cách khai thác có nhiều vấn đề bất cập khiến khán giả không hài lòng…
Gây thất vọng
Nữ hoàng vũ đạo đường phố là chương trình truyền hình thực tế được mua bản quyền từ Hàn Quốc. Một trong những lý do khiến gameshow được đưa về Việt Nam, là phiên bản Hàn gây bùng nổ về mặt truyền thông khi giúp thù lao của các vũ công sau đó tăng chóng mặt. Khi mua bản quyền, Nữ hoàng vũ đạo đường phố được kỳ vọng có thể tiệm cận thành tích mà phiên bản Hàn đã đạt được.
Thực tế, ngay từ khi có thông tin Street woman fighter phiên bản Việt, công chúng đã rất mong chờ, bởi từ lâu trên sóng truyền hình của nước ta chỉ lẻ tẻ vài show chuyên về nhảy múa.
Tuy nhiên, kỳ vọng rồi lại phải thất vọng khi chương trình có khá nhiều điều… khó hiểu. Trước hết là từ dàn giám khảo, Hari Won là một trong 3 gương mặt ngồi “ghế nóng” (cùng với Diệp Lâm Anh và vũ công đến từ xứ sở Kim chi Wootae).
Dù không phủ nhận sự đa tài của Hari Won, nhưng không ít khán giả phản ứng vì cho rằng ở mảng này cô không có nhiều kinh nghiệm, thậm chí không đủ tầm để chấm điểm cho các dancer đã thành danh.
Đến khi có màn nhảy ra mắt của các giám khảo, cô gây thất vọng hoàn toàn vì kỹ năng vũ đạo hạn chế. Thí sinh cổ vũ cho màn ra mắt rất cuồng nhiệt, nhưng tất cả cũng chỉ dừng lại ở câu “xinh quá chị ơi!”, chứ không ai… dám nói “nhảy đẹp quá chị ơi!”.
Câu chuyện sau đó tiếp tục là vấn đề được bàn tán sôi nổi vì giám khảo nhận xét nhưng… không ai hiểu gì?! Chẳng hạn, khi nói về tiết mục của nhóm F.E.D trong tập 7, Hari Won cảm thán: “Nhìn siêu Tây! Chuyển động rất Tây nên xem cảm giác rất thoáng con mắt!!!”. Khán giả bày tỏ sự ngán ngẩm khi nghe những lời thiếu tính chuyên môn và không đi vào trọng tâm của Hari Won. Bản thân thí sinh cũng có lần công khai thể hiện sự không phục trước đánh giá của Ban giám khảo.
Bên cạnh đó, chương trình cũng khiến người xem phải căng thẳng vì “bão drama” đổ bộ. Từ xích mích giữa F.E.D và HanoiXGirls, những câu chuyện nội bộ thành viên nhà SALAD… đã khiến hai chữ “giải trí” của Nữ hoàng vũ đạo đường phố hoàn toàn đi xa khỏi chủ đề.
“Sơ hở là thái độ với nhau”, “The Face, hay Vietnam’s Next Top Model cũng phải chào thua”... là số một trong rất nhiều bình luận chỉ trích việc gameshow này đang cố gây sốc để câu tương tác.
Mong chờ những chương trình đậm tính chuyên môn
Có thể nói, khán giả Việt rất mong đợi gameshow vũ đạo, bởi ngoài việc “đã mắt” trước những màn trình diễn đỉnh cao, họ còn “đã tai” khi thưởng thức âm nhạc với nhiều ca khúc được phối lại, thậm chí viết riêng cho từng phần thi của thí sinh.
Tuy nhiên, hiện tại những gì cho thấy lại chưa làm tốt điều này, khi hầu hết các chương trình đều chọn cách khai thác chuyện bên lề. Ví dụ tiêu biểu nhất là Street dance Việt Nam, khán giả chỉ có thể nhớ những cái tên như Chi Pu, Trọng Hiếu, Kay Trần... và những câu chuyện xung quanh họ, chứ chẳng mấy ai nhớ nổi về thí sinh.
Cũng không khó hiểu vì đây là cách để nhà sản xuất tăng tỷ suất rating và tương tác. Thế nhưng, vì xoáy sâu vào yếu tố này mà thí sinh là người chịu thiệt.
Về mục đích cuối cùng, các chương trình thi vũ đạo được sản xuất với mong muốn tìm kiếm tài năng chứ không phải để “đánh bóng” tên tuổi cho bất cứ ai. Nhưng cách khai thác như hiện nay khiến thí sinh không còn ở vị trí trung tâm. Điều đó lý giải vì sao khán giả không có chút ấn tượng gì về những gương mặt có kỹ năng nổi bật, mà tất cả đều dồn sự quan tâm vào những cái tên đang “hot” trên thị trường.
Cũng vì mải chạy theo câu chuyện bên lề mà không ít chương trình bị chê là lê thê, nhàm chán và thiếu điểm nhấn. Trong đó, Nữ hoàng vũ đạo đường phố bị “réo” nhiều nhất vì lắm sạn.
Chẳng hạn ở tập 7, từ đầu chí đuôi chỉ là những màn đấu khẩu như chợ vỡ hoặc khóc lóc ủ ê của thí sinh. Điều này trái hoàn toàn với Thử thách cùng bước nhảy, chương trình xuất hiện cách đây 12 năm.
Không ồn ào, không chiêu trò, những hình ảnh đẹp về quá trình khổ luyện của vũ công đã khiến rating của chương trình cao ngất ngưởng, đánh bật cả những show có sự góp mặt của dàn sao nổi tiếng.
Ngoài ra, Thử thách cùng bước nhảy còn có khả năng “kéo” khán giả ngồi hàng tiếng đồng hồ trước màn ảnh nhỏ vì tập trung vào tính đại chúng. Giám khảo đều là những tên tuổi nổi tiếng trong giới như Chí Anh, Tuyết Minh, Hà Lê, John Huy Trần...; cùng với đó là các nghệ sĩ, đạo diễn có khả năng nhận xét tốt để đánh giá thêm về yếu tố dàn dựng, biểu cảm của thí sinh.
Những nhận xét đi thẳng vào vấn đề, dễ hiểu, giúp người xem có thêm kiến thức về nghệ thuật nhảy múa, vốn lâu nay bị gán mác là “ngoại lai”, khó tiếp cận. Nói một cách đơn giản, có hiểu thì khán giả mới theo dõi được chương trình dài lâu.
Cũng là về giám khảo, hiện gameshow vũ đạo đang mất điểm là vì chuyện “ngồi nhầm” ghế của người “cầm cân nảy mực”. Đáng ra phải mời những tên tuổi có kiến thức chuyên sâu, nhưng nhà sản xuất lại đi theo hướng cứ “hot” là thỉnh, bất chấp nhiều câu nhận xét vô thưởng, vô phạt, chẳng “đi đâu tới đâu”...
Hiện tượng này cứ lặp đi lặp lại như một vòng tròn lẩn quẩn, khiến cho người xem mất dần lòng tin và quay lưng là điều không tránh khỏi.