Bên ly rượu đầu xuân,ỏamùtáicơcấungânhàbóng đá bóng đá nhân vật mà TBTCO trò chuyện có phong thái ung dung, xen chút đăm chiêu. Sau gần ba mươi năm làm công tác ngân hàng, giờ ông thảnh thơi, thăm thú và thi thoảng gặp vài bạn cũ. Đúng ra, ông rời nhiệm sở đã gần năm nay rồi, kể từ mùa đại hội đồng cổ đông trước…
Đây cũng là cái Tết đầu tiên sau nhiều năm ông mới dành trọn cho gia đình, người thân, bớt phiền khách khứa hay những cuộc gặp vì công việc. Nhưng, gần ba mươi năm làm ngân hàng, hàng chục năm ở vị trí lãnh đạo, nhân chuyện Tết và “lo” Tết, ông tự hào khi khẳng định mình chưa bao giờ từng gặp riêng hay đến nhà riêng một quan chức nào cả…
Ông không quan tâm nhiều đến chuyện lễ lạt đó. Bây giờ, rời công việc, càng không quan tâm. Như ông chia sẻ, đến nay, điều gần như là duy nhất vương vấn với hoạt động ngân hàng là một câu hỏi lớn chưa thể trả lời thật cụ thể: ai, những ai thực sự đứng sau quá trình tái cơ cấu ngân hàng mình từng hàng chục năm gắn bó và điều hành?
Hai năm qua, cả hệ thống các tổ chức tín dụng chộn rộn trong công cuộc tái cơ cấu. 9 ngân hàng yếu kém đã xử lý, thông tin khá rõ ràng. Khốc liệt hơn, căng thẳng hơn và… bí ấn hơn có ở những ngân hàng không nằm trong diện tái cơ cấu bắt buộc. Đây mới thực sự là phần chìm khắc nghiệt của thị trường.
Cái kết của một sự lật đổ tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cuối cùng thì cũng khá rõ. Nhưng cả một năm về trước, “một nhóm nhà đầu tư” âm thầm thâu tóm thực sự là ẩn số lớn đối với công chúng. Hẳn nhiều người trong cuộc chỉ thực sự rõ danh tính của họ khi mọi việc đã xong.
Một năm về trước, câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở ngân hàng mà nhân vật TBTCO trò chuyện ở trên. Song, đến nay hẳn không nhiều người biết rõ ngân hàng đó đã tái cơ cấu thế nào, vật đổi sao dời ra sao; chỉ biết cơ cấu cổ đông lớn, cơ cấu quản trị và điều hành đã gần như thay đổi hẳn.
Bản thân nhân vật trên cũng nói rằng, ông không thể chắc ai và những ai mới thực sự là người đứng sau. Có thể đó là một cách nói, hay một sự chia sẻ có giới hạn trong câu chuyện đầu xuân. Mặt khác, khó nhận diện rõ bởi họ tung hỏa mù khi xâm nhập và thâu tóm ngân hàng.
“Thời gian đầu, chúng tôi hay đâu có vài ba nhóm nhà đầu tư tìm hiểu và có ý định trở thành cổ đông. Nghĩ cũng bình thường thôi, không có gì. Nhưng rồi khi chứng kiến đã có nhiều thay đổi trong cơ cấu cổ đông và quản trị, không như mình mong muốn, không xoay chuyển được nữa, tôi cũng đành rút”, nhân vật trên chia sẻ. Còn với sự chú ý của thị trường, rất có thể sự thay đổi đó có từ xáo trộn lớn của một số ông chủ nhà băng trong năm 2012…
Nhóm nhà đầu tư âm thầm đến, “tung hỏa mù” và khó nhận diện. Bởi lẽ, các cổ đông mới, đại diện mới trong cơ cấu quản trị và điều hành ngân hàng hiện nay không hẳn là những ông chủ, người làm chủ đích thực, thậm chí còn không sở hữu một cổ phần nào của ngân hàng.
“Tôi nghĩ các quy định pháp lý hiện nay còn đơn giản và cần xem lại. Tại sao chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng, hay lãnh đạo điều hành cao cấp mà lại không gắn với điều kiện phải có tỷ lệ sở hữu trực tiếp nhất định. Như hiện nay, nhiều vị trí chỉ là làm thuê, đứng tên hoặc danh, xẩy ra chuyện gì thì chỉ những người đó chịu trách nhiệm, còn các ông chủ và điều hành thực sự mà giấu mặt thì chẳng sao cả”, nhân vật trên nêu quan điểm.
Quả vậy. Không khó để điểm lại thời gian qua và hiện nay khá nhiều vị chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng, hoặc thành viên hội đồng quản trị ngân hàng, ở ban điều hành nhưng lại không sở hữu một cổ phần nào như một sự ràng buộc. Một thời chưa xa và đang có, khá nhiều lãnh đạo quản lý cao cấp khi nghỉ hưu đã tìm “bến đỗ” bằng con đường này. Hay những cái tên chưa từng một ngày làm việc ở ngành ngân hàng bỗng chốc chễm chệ ở các vị trí quản trị, điều hành. Họ đến, xuất hiện, thậm chí là đại diện cho một sự thay đổi lớn mang tầm tái cơ cấu cả ngân hàng, nhưng nguồn lực hay những ai thực sự đứng sau, trong một số trường hợp, là thông tin không dành cho số đông.
Nhân chủ đề hỏa mù tái cơ cấu ngân hàng, năm rồi cũng có sự xì xào tương tự, cũng có bán tín bán nghi vì không có thông tin rõ ràng.
Chuyện rằng, hai tổ chức tín dụng tìm đến với nhau, cả hai cùng quyết phải đổi mệnh bởi khó có thể tiếp tục tồn tại ở hình hài và thể trạng cũ. Vượt qua nhiều trở ngại, chỉ còn những bước cuối cùng để chốt lại, đùng cái có phảng phất sự dòm ngó của nhân vật thứ ba. Lại cũng là kiểu tung hỏa mù, khi một số người trong hai tổ chức trên rỉ tai rằng, nhân vật mới không chỉ mạnh về tài chính mà cả quyền lực, một khi đã ngắm đến thì khó thoát.
Đó là chuyện đồn đại, còn thực tế hai tổ chức tín dụng đó tưởng như đã thành thân mà phải ngãng ra và kéo dài quá trình tái cơ cấu thêm một thời gian đáng kể… Việc xuất hiện bên thứ ba có thực hay không, nếu có thì nhân vật liên quan là ai mà có uy lực như vậy? Vẫn là những câu hỏi trong mớ hỏa mù đâu đó trong quá trình tái cơ cấu các ngân hàng thương mại.
Để rõ ràng và minh bạch, như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2014, thời gian tới cần xem xét cơ chế bắt buộc các ngân hàng thương mại cổ phần phải thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán.
Chính Trung