Là địa phương đầu tiên của thành phố Ngã Bảy được công nhận danh hiệu xã nông thôn mới kiểu mẫu,ấuấnphttriểnkinhtếởxĐạkết quả betis thời gian qua xã Đại Thành đã thực hiện hiệu quả nhiều phần việc trọng tâm, nổi bật với các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xã Đại Thành đang thực hiện hiệu quả nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần cải thiện đời sống cho người dân địa phương. Hiệu quả từ mô hình kinh tế tuần hoàn Nhận thấy vấn đề của nền kinh tế hiện nay là chạy đua sản xuất theo xu thế “nhanh, nhiều”, khai thác tài nguyên cạn kiệt và cuối cùng là “bội thực” rác thải…, xã Đại Thành đã thực hiện mô hình chuyển đổi từ kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn, nhằm hướng đến phát triển kinh tế bền vững cho người dân địa phương và đạt được nhiều kết quả thiết thực. Xã Đại Thành có diện tích 2.040ha, có 1.962 hộ sản xuất nông nghiệp, chính vì vậy công tác phát triển sản xuất được xác định là thế mạnh và chủ lực của địa phương. Từ đó, Đảng ủy, UBND xã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng mô hình sản xuất tuần hoàn để nâng cao giá trị sản phẩm. Trong đó, xã chú trọng chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, xây dựng kế hoạch phát triển nhóm cây trồng chủ lực để tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất như: sầu riêng (95ha), mít Thái (933ha), chôm chôm (36ha), trong đó xã đã xây dựng mã vùng trồng 130ha nhằm tạo thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, xã Đại Thành có 3 mô hình liên kết chuỗi cho sản phẩm nông sản chủ lực gắn với kinh tế tuần hoàn và sử dụng công nghệ cao. Điển hình như mô hình “trồng mít kết hợp nuôi dê thương phẩm” của ông Lê Văn Hùng, ở ấp Ba Ngàn. Với diện tích 1,5ha vườn, ông Hùng tận dụng trồng mít và nuôi dê để tạo thêm thu nhập, hiện vườn mít đã được hơn 3 năm tuổi và đang trong giai đoạn thu hoạch trái. Mô hình này đã giúp ông thu lại hiệu quả kinh tế cao theo hướng bền vững. Ông Hùng chia sẻ: “Từ lúc thực hiện mô hình này, gia đình tôi khá giả hơn trước, hiện ước tính mỗi năm thu hoạch được 30 tấn trái bán cho thương lái, với giá bán bình quân khoảng 20.000 đồng/kg. Năm 2022, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ 50% vốn để mua 9 con dê giống về nuôi. Hiện số lượng đàn dê đã tăng hơn 20 con, gồm có dê thịt và dê giống”. Trong quá trình nuôi dê, ông Hùng đã tận dụng nguồn phụ phẩm từ trái mít non và lá mít để làm thức ăn cho dê. Cùng với đó, sử dụng phân dê, lá, cành, trái mít, cỏ,… có trong vườn để ủ thành phân hữu cơ bón lại cho cây mít, từ đó giảm thiểu được chi phí sản xuất và giảm lượng phân hóa học bón cho cây trồng. Với cách làm kết hợp trên, hàng năm gia đình ông Hùng có nguồn thu nhập từ 400-500 triệu đồng. Có cùng cách làm với ông Hùng, chị Nguyễn Kim Toàn cũng thực hiện tốt và đạt hiệu quả kinh tế cao khi kết hợp nuôi ong lấy mật với trồng chôm chôm tại vườn của gia đình. Mô hình “nuôi ong mật trong vườn chôm chôm” của chị đang được các cơ quan chức năng và cán bộ kỹ thuật của địa phương quan tâm, hỗ trợ phát triển. Theo đó, toàn bộ đất vườn của gia đình chị được trồng chôm chôm, sản lượng ước tính thu hoạch đạt từ 45-50 tấn/2,5ha/năm. Cùng với đó, mô hình còn tận dụng nuôi ong lấy mật trong vườn vào lúc cây ra hoa với số lượng nuôi 10 thùng ong mật, mỗi tháng thu hoạch mật 2 đợt, thời gian thu là 6 tháng. Ước sản lượng mật thu đạt từ 240-300 lít mật/6 tháng. Qua vụ thu hoạch mật ong làm cho giá trị lợi nhuận tăng thêm từ mô hình nông nghiệp tuần hoàn khoảng 150 triệu đồng, cộng với lợi nhuận từ trái chôm chôm đạt khoảng 750 triệu đồng/năm. Ước tổng lợi nhuận chị thu về dao động từ 900 đồng/năm. Sản phẩm OCOP phát triển nhanh chóng Thực hiện theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xã Đại Thành đã rà soát những sản phẩm thế mạnh để tiến hành đầu tư đúng trọng tâm, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt và hỗ trợ, tư vấn người dân, hộ sản xuất những kiến thức cần thiết. Từ đó, giá trị sản phẩm được nâng tầm, thị trường tiêu thụ rộng mở, điều này góp phần tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn xã. Hiện tại, xã Đại Thành có 4 sản phẩm được xếp hạng đạt chuẩn OCOP là rượu gấc, trà gấc, kem gấc của HTX Phước Lâm NG7 và rượu cam sành của Cơ sở sản xuất Phát Phú Thành. Với những quả gấc đỏ tươi, dày cơm, thịt nhiều, nhưng người nông dân chỉ có thể bán được khoảng 8.000 đồng/kg. Nhận thấy đây là loại trái ngon, độc, lạ và có thể chế biến thành các món ngon như rượu, trà, kem, ông Nguyễn Văn Phil, Giám đốc HTX Phước Lâm NG7, ở ấp Mái Dầm, đã nảy ra sáng kiến để phát triển thành sản phẩm OCOP của địa phương và được nhiều người biết đến. Nổi bật là rượu gấc 40 độ, dung tích 500ml/chai được bán với giá 200.000 đồng, hay trà gấc sau khi được đóng gói vào hộp giấy có giá bán 100.000 đồng/hộp 100g. Nói về sản phẩm do mình làm ra, ông Phil cho biết: “Gấc có lợi cho sức khỏe và thị trường Việt Nam trước đây chỉ có nước gấc nhập khẩu từ Mỹ là Nuskin G3 với giá bán đắt đỏ. Trong khi trái gấc có ở rất nhiều vùng trong nước nhưng chưa được tận dụng, đó là động cơ để tôi nghiên cứu về gấc. Để tạo được thành phẩm như hiện tại, tôi đã bỏ công nghiên cứu, tìm tòi học hỏi trong thời gian dài, qua nhiều lần thử nghiệm thì kết quả thu về được thành phẩm ngon và được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP. Cũng nhờ đó mà sản phẩm ngày càng có tiếng trên thị trường và mang về nguồn thu nhập khá”. Bên cạnh những sản phẩm OCOP, đối với 3 loại trái cây chủ lực là mít, sầu riêng, chôm chôm, xã sẽ tiếp tục hỗ trợ và hướng dẫn người dân trong công tác chuyển đổi số, khắc phục những khó khăn và tạo hướng đi phù hợp cho bà con nông dân. Song song đó, hướng dẫn người dân cài đặt các phần mềm, bán hàng qua kênh thương mại điện tử để tăng hiệu quả. Như sản phẩm trà gấc của HTX Phước Lâm NG7 đã được bán qua kênh thương mại điện tử “PosMax”, đây là tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển kinh tế của người dân địa phương. Ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Thành, cho biết: “Với những kết quả đã đạt được, sắp tới đây xã sẽ tiếp tục nhân rộng những mô hình kinh tế đạt hiệu quả của địa phương, góp phần đưa đời sống người dân ngày càng khởi sắc hơn”. Bài, ảnh: MAI THANH |