');this.closest('table').remove();"> |
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại điểm cầu Thừa Thiên Huế |
Ngày 4/8, diễn ra hội nghị trực tuyến bàn về mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026- 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì, kết nối điểm cầu tại 63 tỉnh, thành. Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, tham dự có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã trình bày báo cáo tóm tắt về hồ sơ nhiệm vụ xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026- 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, dự thảo Chương trình tập trung vào 9 nhóm dự án trọng tâm nhằm cụ thể hóa các nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Qua đó, hướng đến phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của hội nhập, phát triển, trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển.
Sau khi nghe báo cáo tóm tắt dự thảo chương trình, các chuyên gia, nhà khoa học, bộ ngành, địa phương đã có những thảo luận, đề xuất để góp ý, hoàn thiện dự thảo chương trình. Các ý kiến tham gia thảo luận cơ bản đánh giá cao, nhất trí về tổng thể nội dung và sự cần thiết chủ trương đầu tư chương trình; ngoài ra có một số góp ý chi tiết về một số nội dung, như: bố cục, kết cấu, tính khoa học, đề xuất các nhóm nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với thực tiễn, một số bất cập, hạn chế ...
');this.closest('table').remove();"> |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế vào tháng 3/2023 |
Tham gia đóng góp ý kiến, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định, Thừa Thiên Huế luôn xác định văn hóa là nền tảng, cơ sở, điểm tựa để tạo điều kiện phát triển kinh tế- xã hội. Ông Phương thông tin, hiện nay, tỉnh có 7 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới; trong đó, 5 di sản của riêng Thừa Thiên Huế; 2 di sản chung với các địa phương khác. Ngoài ra, toàn tỉnh có khoảng 1.000 di tích, trong đó có 3 quần thể di tích quốc gia đặc biệt.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định, Thừa Thiên Huế thống nhất các mục tiêu, phạm vi, đối tượng, cơ cấu của các nhóm dự án. Đồng thời, đề nghị các đề xuất, trong đề án nên có mục nghiên cứu về khung pháp lý liên quan đến việc xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực này. Điều đó sẽ khơi dòng cho một nguồn lực đầu tư quan trọng.
Ông Phương cho rằng, thực tế đã xuất hiện một số vướng mắc, đó là dù chúng ta đang có chính sách xã hội hóa khá thông thoáng, song việc vận hành các hoạt động cho lĩnh vực văn hóa vẫn chưa được thông suốt, do vậy, cần có nghiên cứu về vấn đề này hoặc cần có nguồn lực để hỗ trợ trực tiếp cho các lĩnh vực được xã hội hóa. “Khi được tạo điều kiện thì nhiều tổ chức, đơn vị tư nhân sẽ tham gia, qua đó, tạo ra hiệu quả và chương trình sẽ được quan tâm hơn, thu hút nguồn lực từ các thành phần khác”, ông Phương nhấn mạnh.
Dẫn chứng về những khó khăn hiện hữu, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nêu lên sự chồng chéo của các chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay. Do vậy, theo ông Phương, chương trình này cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo để qua trình triển khai sẽ thuận lợi. Ngoài ra, vấn đề nguồn lực cũng không nên dàn trải mà cần tập trung.
“Riêng Thừa Thiên Huế sẽ nỗ lực để tiếp tục đề xuất với UNESCO ghi danh thêm một số di sản vật thể, phi vật thể, như đề án chương trình thể hiện. Hiện, chúng tôi đề xuất vào danh mục có dự án Bảo tàng Cổ vật cùng đình Huế, vấn đề này cũng đã có ý kiến của lãnh đạo Đảng và Nhà nước”, ông Phương cho biết.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đầu tư, phát triển văn hóa là trách nhiệm chung của Đảng, hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân; dự thảo chương trình về chấn hưng, phát triển văn hóa lần này có tính chất quan trọng và sự cấp bách phải thực hiện để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước bền vững trong tình hình mới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận những cố gắng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong chuẩn bị dự thảo chương trình đảm bảo bao quát, trọng tâm các vấn đề; các ý kiến xác đáng, trọng tâm, thể hiện tinh thần trách nhiệm của các chuyên gia, bộ ngành, địa phương. Đồng thời, giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương tổng hợp, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo chương trình trong thời gian sớm nhất.