Vốn đầu tư “teo” dần
Bên cạnh áp lực cạnh tranh mãnh mẽ từ các nhà đầu tư nước ngoài, DN bán lẻ nội địa còn phải đối mặt với không ít thách thức, khó khăn ảnh hưởng tới sự phát triển. Ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay: Hiện nay, chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của thương mại trong nước chưa được quan tâm đúng mức; đầu tư cho phát triển hệ thống hạ tầng bán buôn, bán lẻ còn nhiều khó khăn. Trong đó, hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại bán lẻ (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trung tâm logistics, cửa hàng tiện lợi, chuyên doanh…) tăng nhanh nhưng phân bố không đều, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các thành phố, thị xã, thị trấn… “Nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng thương mại chưa được quan tâm. Vốn đầu tư thực hiện của khu vực kinh tế nhà nước cho thương mại trong nước không đáng kể và có xu hướng giảm dần. Năm 2016, vốn đầu tư cho ngành đạt giá trị khoảng 13.101 tỷ đồng, đứng 14/18 ngành và chỉ chiếm 2,3% trong tổng vốn đầu tư thực hiện của khu vực nhà nước (các năm 2010-2015, tỷ trọng trong tổng vốn đầu tư cũng chỉ xấp xỉ từ 2-3%)”, ông Hội nói. Ông Hội phân tích thêm: Với hoạt động thương mại, vị trí đất là đặc biệt quan trọng. Hiện nay, quy hoạch ngành chưa gắn với quy hoạch vùng lãnh thổ nên thiếu mặt bằng thuận lợi để bố trí hoạt động thương mại. Nếu có mặt bằng thì do quan điểm đất thương mại là loại đất dịch vụ nên giá thuê, giá đấu thầu cao trong khi DN phần lớn là vừa và nhỏ nên càng khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Liên quan tới câu chuyện của ngành bán lẻ, chuyên gia kinh tế Hoàng Thọ Xuân nêu quan điểm: “Trong bán lẻ, Việt Nam chưa có chiến lược, chưa có một chương trình tổng thể để phát triển các kênh phân phối. Nếu nói chính sách không quan tâm tới thương mại trong nước là không đúng nhưng các quy định, định hướng lại rải rác trong các văn bản khác nhau. Nguồn lực không có, rải rác mỗi thứ một chỗ thì không thể phát triển được. Nếu không nhanh chân, DN đầu tư nước ngoài sẽ chiếm hết thị trường. Hoặc chúng ta phải làm hoặc chúng ta đứng ra ngoài cuộc chơi”. Củng cố doanh nghiệp “đầu tàu” Chuyên gia Hoàng Thọ Xuân phân tích thêm: Người phân phối là người nắm rõ nhu cầu của thị trường, chi phối lại quá trình sản xuất. Các cơ sở bán lẻ phải có liên kết với cơ sở sản xuất, tạo thành chuỗi cung ứng, trước hết là những chuỗi phục vụ ngay tại địa bàn địa phương. Bắt đầu từ những cái nhỏ, phải trở thành một “cuộc cách mạng” để hình thành một loạt chuỗi cung ứng. Trong đó, Nhà nước phải có quan tâm, định hướng tới DN mang tính chỉ huy, “đầu tàu”. Chính DN chỉ huy quyết định thành công và việc vận hành của mặt hàng. Đây phải là trọng điểm trong chương trình phát triển toàn ngành thời gian tới. Cũng theo chuyên gia Hoàng Thọ Xuân, DN bán lẻ Việt Nam cần tập trung đầu tư phát triển vào các thị trường ngách, thị trường nông thôn, điển hình như mô hình cửa hàng tiện lợi. “Mô hình cửa hàng tiện lợi là lựa chọn hợp lý cho các DN có số vốn hạn chế nhưng muốn bao phủ thị trường. Còn thị trường nông thôn là địa bàn đầy tiềm năng và đang bị bỏ ngỏ bao lâu nay. Đây sẽ những thế mạnh mà các DN trong nước có lợi thế “sân nhà” để cạnh tranh được với các DN FDI có thế mạnh về vốn, kinh nghiệm quản trị, thương hiệu mạnh”, chuyên gia Hoàng Thọ Xuân nói. Đứng từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Hội nêu rõ: Để phát triển ngành bán lẻ, nâng cao sức cạnh tranh của DN bán lẻ nội địa, một trong những giải pháp thời gian tới là khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để củng cố, phát triển các tổng công ty, tập đoàn kinh doanh thương mại có quy mô kinh tế. Hiện nay, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Liên minh Hợp tác xã TP. HCM (Saigon Coop), Công ty CP Tập đoàn Phú Thái (Phú Thái) đã trở thành các nhà phân phối lớn, đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn phân phối nước ngoài, chiếm giữ thị phần đáng kể và có khả năng chi phối được tình hình thị trường xã hội về hàng tiêu dùng tại các đô thị, trọng tâm là các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM , Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng… Ngoài mạng lưới các cơ sở kinh doanh thương mại trực thuộc các tập đoàn, tổng công ty này (như siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm), giải pháp quan trọng còn là tiếp tục phát triển các cơ sở kinh doanh thương mại hoặc dịch vụ phụ trợ phục vụ thương mại khác theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp như sàn giao dịch điện tử, trung tâm logistics; chú trọng phát triển các chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại để “nối dài cánh tay”phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân. “Liên quan tới phát triển mạnh mẽ các cửa hàng tiện lợi, định hướng là Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi kết hợp với hỗ trợ kỹ thuật của cộng đồng DN, từng bước “chuyển hóa” các cửa hiệu, quầy hàng của hơn 2 triệu hộ kinh doanh cá thể (tiểu thương) thành các cửa hàng tiện lợi, bán lẻ hàng hóa theo phương thức hiện đại, mở cửa cả ngày và liên tục trong tuần. Hàng hóa theo đơn đặt hàng với nhà sản xuất, nhà bán buôn, nhà NK, trong đó chủ yếu là từ các trung tâm bán buôn hiện đại; tiếp đó lựa chọn và khuyến khích các DN “hạt giống” liên kết các cửa hàng lại thành chuỗi cửa hàng tiện lợi, thay thế dần cho các hiệu tạp hóa, quầy hàng vỉa hè…”, ông Hội nói. Xung quanh vấn đề này, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết thêm: Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới phát triển hạ tầng thương mại. Trong đó, khâu quan trọng nhất là tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ, chú trọng tới việc hỗ trợ về kỹ năng quản lý cũng như đào tạo về kỹ năng chuyên môn cho lao động trong ngành…
|