Sau nhà cửa,ênnhiênđangnghỉngơty le kao làng mạc, rừng cây và rặng núi, là những dãy núi đá hùng vĩ của Himalaya. Đó cũng là lần đầu tiên sau 30 năm, người dân ở miền bắc Ấn Độ lại được chiêm ngưỡng kỳ quan không chỉ của đất nước mình, thậm chí từ nơi có khoảng cách đến 200km như bang Punjab. Nơi mà trước đó, luôn bị phủ lấp bởi khói, bụi. Trong bảng xếp hạng của AirVisua (tên ứng dụng và website của IQAir AirVisual, một tổ chức sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về chất lượng không khí được thành lập vào năm 2015, có trụ sở tại Mỹ, Trung Quốc và Thụy Sĩ), Ấn Độ có 21/30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Giữa khi mà con người đang khẩn trương, thậm chí là cuống cuồng chống đỡ virus Corona và hiện vẫn chưa tìm được kháng sinh để loại trừ nó, thì thiên nhiên lại đang có những tín hiệu tích cực. Trước khi nhìn thấy Himalaya, thông tin từ Cục Lâm nghiệp Ấn Độ cho hay, hơn 70.000 rùa mẹ đã đến vùng biển Rushikulya để đẻ trứng. Đây cũng được xem là một sự kiện bất thường, nhất là khi rùa biển Olive Ridley là một trong loài rùa có nguy cơ tuyệt chủng.
Trong khi đó, tại Venice, thuyền đã vắng hơn trong 6 ngày thực hiện cách ly xã hội để hạn chế virus SARS-CoV-2 lây lan. Theo người dân nước Ý, có lẽ đã hơn 60 năm rồi, nước của dòng Venice mới trong đến thế. Chỉ số từ vệ tinh, NASA – cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ và ESA – cơ quan vũ trụ châu Âu cũng cho thấy, nồng độ chất gây ô nhiễm bởi khí thải, xe cộ và công nghiệp (NO2) giảm mạnh ở Italia và một số vùng khác của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Vũ Hán.
Những chỉ số môi trường trên, đương nhiên mới chỉ mang tính đại diện cho những nơi luôn được cảnh báo. Nhưng điều đó cũng cho thấy, thiên nhiên dường như cũng đang duỗi mình ra. Để thở, sau quá nhiều gắng gỏi để cần mẫn một cách chịu đựng nuôi dưỡng cuộc sống của con người. Lúc này đây, khi loài người đang giãn nhịp và náu mình nhiều nhất có thể; khi mà tiếng ì ầm của tất thảy các loại động cơ đang được thu hẹp; khi mà hàng triệu ngả đường đã trở nên thoáng đãng và rộng rãi hơn bao giờ… thiên nhiên chừng như đang có cơ hội để phục hồi và tái tạo.
Tôi luôn nghĩ rằng, những gì mà chúng ta đang phải đối diện, không chỉ là sự trả giá. Nhiều hơn, còn là một đề nghị, thậm chí là yêu cầu con người nhìn sâu hơn vào chính mình. Sẽ không có một cánh cửa khác, nếu chúng ta chỉ biết tận dụng và hưởng thụ bầu không khí được thiên nhiên mang đến và trao tặng, mà không biết mình còn có nghĩa vụ bảo toàn, vun đắp, chăm chút và duy trì một cách tốt nhất những gì đã tạo nên cuộc sống.
SARS-CoV-2 hay một loài virus nào khác, dù có kinh khủng đến thế nào, rồi cũng sẽ được con người khống chế và tiêu diệt. Nhưng tôi cũng tin, cho dù có thể nghiên cứu và tạo ra rất nhiều kháng thể chống lại virus, tật bệnh… con người vẫn phải chọn một cách ứng xử hài hòa chứ không thể đối kháng với thiên nhiên. Quá nhiều con số từ thực tiễn để chứng minh điều này.
Từ Hà Nội, những người bạn của tôi nói về những ngày sống thật chậm của mình. Cho dù đang không hề an yên. Và có một hồ Tây mờ sương, một rặng bằng lăng đang mùa đâm lộc hay một góc hồ Gươm quá chừng lãng đãng trong thưa vắng. Nhưng cái thắt lòng lại ở chỗ, khi mà chỉ số không khí ở Hà Nội và cả TP. Hồ Chí Minh nữa, đang tốt dần lên, mọi người vẫn chỉ có thể ở nhà, hoặc nhón nhén ra phố.
Thiên nhiên đang chậm lại. Nhưng con người bao giờ mới thật chậm lại và nguôi bớt những khát vọng không ngưng nghỉ của mình?
NGUYỄN HÀ CHI