(CMO) Đến nay toàn huyện Ngọc Hiển có hơn 19.000 hộ dân sinh sống với nhà cửa khang trang, kiên cố. Hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện với chiều dài hơn 300 km lộ bê-tông đấu nối về các xã, thị trấn; có hơn 98% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia và các trạm y tế đều đạt chuẩn đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân địa phương.Ông Nguyễn Văn Đấu, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Trước đây muốn đi đâu bà con phải chèo xuồng, nước thì lấy từ các kênh rạch về xài và muốn sáng thì phải thắp đèn dầu. Giờ đây điện, nước có sẵn, chỉ cần mở van hay bật công tắt là bà con có điện, nước để sử dụng trong gia đình. Đời sống của người dân khởi sắc hơn, không còn những căn nhà lụp sụp hoặc đường sá trơn trợt vào mùa mưa hay những ánh đèn leo lét vì không đủ điện. Vui mừng nhất là những tuyến lộ bê-tông nối dài các xóm, ấp; xe máy, xe ô tô chạy tới nhà, bà con đi lại thuận tiện và trẻ nhỏ an tâm đến trường hơn, cảnh sắc quê hương thay đổi rõ nét”.
Phát huy truyền thống anh hùng, thời gian qua Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Ngọc Hiển đoàn kết một lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Sức bật của quê hương Ngọc Hiển hôm nay đổi thay vô cùng lớn lao. Ngày xưa cuộc sống người dân khó khăn, cơ cực. Lấy dấu mốc từ khi chia tách huyện Năm Căn - Ngọc Hiển ngày 1/1/2004, trụ sở các cơ quan Đảng, Nhà nước của huyện và xã, thị trấn trên địa bàn hầu như chỉ xây dựng tạm bợ, nhà cửa người dân bằng cây lá địa phương, thì nay được đầu tư khang trang. Chủ tịch UBND xã Tân Ân Nguyễn Phương Nam cho biết, cán bộ huyện Ngọc Hiển ngày xưa đi làm việc chủ yếu bằng đường thuỷ, mất rất nhiều thời gian. Chiều thứ Sáu làm việc trễ giờ thì không có phương tiện để về nhà bởi phần lớn cán bộ huyện Ngọc Hiển là người ngoài địa phương. Ông Nam nhớ lại, trước đây để xuống dân làm việc, tuyên truyền hầu như phải lội bộ, băng vuông, lội sình, cơ cực lắm. Chỉ có thời đó mình mới biết được sự khó khăn, thiếu thốn. Đến nay, huyện Ngọc Hiển đã thật sự khởi sắc, thay da đổi thịt. Một trong những điểm nhấn quan trọng của huyện Ngọc Hiển là xuất phát điểm trước đây chưa đến 10 km đường lộ bê-tông thì đến nay huyện Ngọc Hiển có trên 320 km đường lộ bê-tông, trên 60 km lộ nhựa cấp VI đồng bằng đi về các xã, thị trấn, 80/88 ấp, khóm đã có lộ đi trung tâm xã. Diện mạo nông thôn mới đang có bước khởi sắc, đời sống Nhân dân được nâng lên, nhà cửa khang trang. Thu nhập bình quân đầu người năm sau luôn cao hơn năm trước, nay thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng. Đời sống vật chất, tinh thần người dân từng bước được nâng lên, trình độ dân trí được chú trọng. Từ một huyện chưa có trường THPT, thì nay đã có 2 trường THPT; 23/30 trường học đạt chuẩn quốc gia, cơ bản đáp ứng yêu cầu giáo dục - đào tạo của huyện, đến nay đã có 1 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới. Ông Nguyễn Công Trực, cán bộ hưu trí xã Tân Ân, bộc bạch: “Cầu Năm Căn đã thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển, giúp việc trao đổi, giao thương hàng hoá của người dân được thuận tiện hơn. Ngoài ra, văn hoá - xã hội được nâng lên khi các công trình phúc lợi, trường học, cơ sở y tế được xây dựng kiên cố gắn với nông thôn mới”. Kinh tế duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, nhiều dự án về phát triển nuôi thuỷ sản, khai thác, đánh bắt biển được quan tâm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, bình quân tổng sản lượng nuôi trồng, khai thác hàng năm đạt trên 60.000 tấn thuỷ sản các loại. Các chương trình, dự án kinh tế động lực, như dự án Nhà máy Điện gió ven biển Đất Mũi; Cảng biển nước sâu Hòn Khoai, Cảng cá, Cụm kinh tế Rạch Gốc; các nhà máy chế biến tôm khô, bột cá... hình thành được vùng nuôi thuỷ sản ứng dụng công nghệ cao, gắn với bao tiêu sản phẩm và chế biến xuất khẩu thuỷ sản được phát huy là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của huyện. Ông Tiết Văn Thẹo, ấp Duyên Hải, xã Tân Ân Tây, tự hào: “Huyện Ngọc Hiển hôm nay đổi thay ngoài sự mong đợi của người dân. Dù chưa thật sự khởi sắc nhưng những gì đạt được về kinh tế, đời sống người dân, đường làng, lộ nông thôn, y tế, an ninh đã giúp người dân tin tưởng vào đường lối của Đảng, Nhà nước. Tôi tin rằng Ngọc Hiển sẽ còn những đổi thay với con tôm, rừng đước, biển, du lịch sẽ giúp người dân vùng đất cực Nam thêm ấm no, văn minh”. Ngọc Hiển giờ được xem là nơi dừng chân của du khách gần xa, với hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng loài thuỷ hải sản và thực vật phong phú. Du lịch và hạ tầng du lịch từng ngày phát triển, còn là một trong những ngành kinh tế trọng điểm của huyện và của quốc gia. Mỗi năm huyện Ngọc Hiển đón hơn 200.000 lượt khách đến tham quan, du lịch với doanh thu hàng trăm tỷ đồng tạo thu nhập ổn định cho lao động địa phương, đóng góp vào ngân sách của huyện. “Phát huy những thành tích đạt được của 45 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Ngọc Hiển nguyện ra sức xây dựng quê hương. Tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức nỗ lực, sáng tạo nhằm mục tiêu xây dựng huyện Ngọc Hiển ngày càng văn minh, hiện đại và ngang tầm với tiềm năng kinh tế của huyện ven biển. Bứt phá vươn lên tầm cao mới trong tương lai để xứng đáng là huyện mang tên Anh hùng Phan Ngọc Hiển”, là khẳng định của Chủ tịch UBND huyện Lý Hoàng Tiến./. Hồng My - Chí Hiểu |