Các tổ chức trên đã cảnh báo kinh tế toàn cầu đang phải đối diện với sự tăng trưởng chậm lại. Riêng IMF cho rằng, trong vòng 5 năm tới kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng 3%/năm so với con số bình quân của 2 thập niên trước là 3,8%/năm, bởi hai nguyên nhân chủ yếu đó là: Sự phân mảnh kinh tế cũng như các mối căng thẳng địa chính trị chưa giảm bớt. Tình hình kinh tế cụ thể ở hầu hết các nước và các châu lục đó là: Sự thiếu hụt lương thực thực phẩm, nhiên liệu và giá cả tăng cao, lạm phát nhiều lúc chạm ngưỡng 2 con số, phát triển kinh tế ở nhiều nước suy giảm mạnh, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, tuy sang đầu năm 2023 đã có chiều hướng tốt hơn nhưng vẫn ở một mức cao so với những thời kì hoàng kim trước đây. Dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ bị chỉnh hướng, chảy đến các nước thân thiện chứ không đến địa chỉ làm ra lợi nhuận nhiều nhất. Chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được sắp xếp lại khi các nước tìm kiếm sự chủ động của mình và củng cố mối liên kết với các đồng minh.
Việt Nam là một nền kinh tế với độ mở lớn nên mọi biến động của nền kinh tế thế giới, nhất là tác động của những nước Việt Nam có mối quan hệ xuất nhập khẩu, buôn bán thường xuyên và quy mô lớn, chính vì vậy, cần phải điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế của chúng ta theo hoàn cảnh mới, mô hình kinh tế mới để đáp ứng sự thay đổi của kinh tế toàn cầu ít nhất trong 10-30 năm tới. Vậy định hướng chiến lược phát triển của ta chắc chắn vẫn phải tập trung vào 3 mũi nhọn quan trọng đó là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Kinh nghiệm giai đoạn vừa qua khi có đại dịch Covid-19 và sự mất ổn định của địa chính trị kinh tế, quân sự thế giới, thì nông nghiệp ở các nước cũng như ở Việt Nam luôn luôn là bệ đỡ cho nền kinh tế đang gặp khó khăn cả ở lĩnh vực xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Nên trong những năm tới tiếp tục phải có chiến lược phát triển nền nông nghệp hiện đại, nông nghiệp xanh để đảm bảo ổn định những hàng hóa thiết yếu cho xã hội nhất là lương thực, thực phẩm và xuất khẩu, đồng thời góp phần kiềm chế lạm phát của từng năm. Đi đôi với phát triển, sản xuất hàng hóa cần có chính sách phát triển hệ thống phân phối hiệu quả, gắn kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị sản xuất phân phối và tiêu dùng xã hội. Nhà nước cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, công khai trong cả sản xuất phân phối và tiêu dùng. Về đầu tư, để phát triển: Cần tập trung vào việc thu hút vốn trong và ngoài nước để xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, năng lượng cho sự phát triển. Chú ý lựa chọn những dự án tiên tiến, hiệu quả cao và đảm bảo yếu tố môi trường một cách bền vững. Đặc biệt tập trung vào phát triển năng lượng tái tạo, phát triển kinh tế tuần hoàn một cách nhanh và bền vững. Muốn thực hiện được chiến lược phát triển trên cần phải có những giải pháp cơ bản, cụ thể: Tập trung vào hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư lâu dài trên các địa phương trong cả nước. Mọi cải cách hành chính, những chính sách hỗ trợ từng thời kì đều nhằm mục tiêu đưa các doanh nghiệp phát triển nhanh và hiệu quả, đem lại lợi nhuận cho đất nước. Coi doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ. Từng bước phải tiến tới tự do cạnh tranh trên thị trường theo quy định của pháp luật, nâng cao vai trò của quản lý nhà nước mang tính định hướng của quản lý vĩ mô tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển, không bao cấp, ban phát, xin cho. Các doanh nghiệp phải tự hạch toán kinh tế lời ăn lỗ chịu kể cả các doanh nghiệp mà nhà nước có vốn chi phối. Điều cần lưu ý trong giai đoạn giữa quý 2/2023 theo báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì khá nhiều doanh nghiệp đã phải bán toàn bộ hoặc một phần cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư khác, mà chủ yếu lại là các doanh nghiệp nước ngoài. Chính vì vậy đề nghị Nhà nước cần soát xét có chính sách đối với các doanh nghiệp mang tính quan trọng của nền kinh tế để có thể tạm thời hỗ trợ, bảo lĩnh,… nhằm giúp cho doanh nghiệp vượt qua được gia đoạn khó khăn này là tốt nhất. Bởi nếu bán hầu hết các doanh nghiệp quan trọng của nền kinh tế, thì sau này tình hình ổn định trở lại rất khó để có thể tạo dựng những doanh nghiệp tương tự đã bán và có thể chúng ta chủ yếu là những người làm thuê trên chính đất nước mình. Đi đôi với phát triển kinh tế, Nhà nước cần có chính sách để đào tạo, đào tạo lại những đội ngũ và cán bộ chủ chốt, chăm lo đến chính sách cho đội ngũ công nhân, nông dân trí thức, các chuyên gia đầu ngành, đây là lực lượng quan trọng nhất trong chiến lược phát triển kinh tế trong tình hình mới. Trong giai đoạn khó khăn này cần giáo dục cho toàn thể các doanh nghiệp, cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, các tầng lớp lao động khác trong xã hội nêu cao tinh thần đoàn kết tương trợ và chia sẻ, nhất là những lúc khó khăn để vượt qua trở ngại trong quá trình phát triển. Động viên tinh thần sáng tạo khởi nghiệp, dám nghĩ dám làm, dám đổi mới vì mục tiêu phát triển kinh tế và ổn định xã hội nâng cao đời sống và hạnh phúc của nhân dân. Chúng ta tin tưởng với sự nỗ lực của toàn dân tộc, đặc biệt là vai trò nòng cốt của các doanh nghiệp, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ của các bộ ngành và sự quyết tâm của các địa phương, chắc chắn việc thực hiện chiến lược mới trong phát triển kinh tế của chúng ta sẽ đạt được những kết quả như mong muốn. |