Ngày 28/11, Bộ Công Thương tổ chức diễn đàn "Xúc tiến xuất khẩu xanh", sự kiện nằm trong khuôn khổ Diễn đàn và triển lãm Kinh tế xanh
Tại buổi khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu. Xu hướng phát triển này đã và đang hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư. Trong bối cảnh đó, để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi sản xuất và cung ứng thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - cũng cho hay, nếu như trước đây các tiêu chuẩn xanh, bền vững chỉ được nhìn thấy ở các phân khúc cao cấp thì hiện nay đã trở thành yêu cầu phổ biến ở mọi phân khúc.
Đại diện các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đã trao đổi cởi mở, thẳng thắn về những vấn đề thực tiễn liên quan đến xúc tiến xuất khẩu xanh; đồng thời, chia sẻ nhiều thông tin bổ ích về những kinh nghiệm, cách làm hiệu quả cũng như khuyến nghị, đề xuất các giải pháp, sáng kiến nhằm khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh để mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, thích ứng với xu hướng tiêu dùng xanh và phù hợp với “luật chơi” mới của thương mại quốc tế.
Các diễn giả đều cho rằng, để không bị loại khỏi “cuộc chơi” bởi các tiêu chuẩn ngày càng cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các nước xuất khẩu cần phải thay đổi tư duy, cách làm, quan tâm hơn tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng trong thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật ngày càng khắt khe của thị trường.
Ông Jean- Jacques Bouflet - Phó Chủ tịch EuroCham - cho biết: Mặc dù thời gian qua các FTA đã tạo điều kiện gia tăng xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam nhưng để có thể cạnh tranh được tại thị trường EU thì doanh nghiệp Việt cần tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường và đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững.
"EU là thị trường không ngừng cập nhật chính sách hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hoá vào EU, cần thay đổi, đặc biệt chú ý hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững"- ông Jean- Jacques Bouflet nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Bartosz Cieleszynski - Phó trưởng Ban Thương mại, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam – cho rằng, thương mại xanh chắc chắn không chỉ giới hạn ở các sản phẩm nông nghiệp. Các nhà sản xuất Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp cũng có thể tham gia vào xuất khẩu xanh. Các sản phẩm như giày dép và hàng may mặc có thể tham gia chương trình chứng nhận tự nguyện như BCI (Sáng kiến Bông tốt hơn) hay GOTS (Tiêu chuẩn Dệt may Hữu cơ Toàn cầu) và PETA (Chứng nhận Bảo vệ Động vật).
Những chương trình chứng nhận trên - với việc yêu cầu bảo tồn đa dạng sinh học và tình trạng tốt của đất, quản lý nước bền vững, giảm sử dụng thuốc trừ sâu, đảm bảo mức lương tối thiểu và trả lương bình đẳng, không có lao động trẻ em và ngược đãi động vật - rất được người tiêu dùng và nhà nhập khẩu EU quan tâm. Sản phẩm tuân thủ tiêu chuẩn xã hội và môi trường thường đắt hàng hơn mặc dù giá cao. Vì thế, các nhà sản xuất và điều hành thương mại của Việt Nam nên quan tâm đến định hướng lựa chọn của người tiêu dùng EU.
猜你喜欢
- Phát hiện loài rắn vô cùng quý hiếm sau hàng chục năm vắng bóng
- Đẩy nhanh tiến độ 2 dự án giao thông trọng điểm tại Kon Tum
- Lạng Sơn: Khởi công Cụm công nghiệp Đình Lập 677 tỷ đồng
- Đặc trưng thú vị của các “chú ong chúa” đang chuyển dịch sang Việt Nam
- Samsung khẳng định vẫn dùng thương hiệu Galaxy Note cho điện thoại
- Bão số 9 gây sự cố với nguồn điện, lưới điện tại miền Trung
- Lãi suất huy động lại có xu hướng tăng
- Cần gỡ vướng trong đầu tư xây dựng chợ
- Tai nạn lao động ở Hải Phòng, 1 người tử vong