Theo ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Algeria là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại châu Phi. Hiện hai nước đang thúc đẩy quan hệ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Phát biểu tại “Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Algeria” do Cục Xúc tiến thương mại và Thương vụ Việt Nam tại Algeria tổ chức chiều nay 19/4, ông Hoàng Đức Nhuận, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Algeria cho biết: mặc dù là thị trường đầy tiềm năng và là “cửa ngõ” quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư và hợp tác thương mại với các nước châu Phi nhưng thương mại song phương giữa Việt Nam và Algeria vẫn còn khiêm tốn. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 300 triệu USD năm 2017, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt khoảng 281 triệu USD. Do tác động của đại dịch Covid-19 và chính sách hạn chế nhập khẩu của Algeria, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang thị trường này chỉ đạt 153 triệu USD với các mặt hàng chính là cà phê nhân xanh (56.545 tấn, kim ngạch 99,68 triệu USD), gạo, hạt điều nhân, bánh kẹo, sản phẩm từ ngũ cốc, hạt tiêu, quế, cá tra filet, đồ gỗ… 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria đạt 30,6 triệu USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Algeria, ông Hoàng Đức Nhuận thông tin thêm, cà phê chiếm 65% tổng trị giá xuất khẩu. Algeria được nhận định là thị trường còn nhiều dư địa cho cà phê Việt Nam. Trong tương lai gần, cà phê là mặt hàng xuất khẩu số 1 vào thị trường này. Một số ý kiến nhìn nhận, trên thị trường này, cà phê thô của Việt Nam phải cạnh tranh với cà phê của nhiều nước; xuất khẩu cà phê hộp, cà phê hòa tan vẫn còn hạn chế. Người tiêu dùng địa phương thường uống rất ngọt và đánh giá cà phê hòa tan nhập khẩu nói chung chưa có đủ độ đường, đặc biệt thường e ngại về vấn đề đảm bảo tiêu chuẩn halal (liên quan đến các thành phần bổ sung như sữa bột, kem). Đây là điều các doanh nghiệp lưu ý khi xuất khẩu cà phê thành phẩm vào Algeria, nhất là khi đưa hàng vào hệ thống siêu thị. Xuất khẩu vào Algeria tiếp sau cà phê là mặt hàng gạo. Mỗi năm, Algeria nhập khẩu 100.000 tấn gạo, chủ yếu là gạo 5% tấm, gạo đồ phục vụ cho người châu Á sinh sống và làm việc tại Algeria. Gạo là mặt hàng được trợ giá nên thuế nhập khẩu khá thấp so với mặt bằng chung, chỉ 16%. “Các loại gia vị như hạt tiêu, quế cũng là những loại nông sản có nhu cầu cao tại Algeria cùng với hạt điều nhân. Bên cạnh đó, thủy hải sản cũng nằm trong top 5 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam sang Algeria”, ông Hoàng Đức Nhuận nói. Tham tán Thương mại Việt Nam tại Algeria khẳng định: thị trường Algeria đã và đang có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như: cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản nước ngọt… , là những sản phẩm mà nước này không sản xuất được. Khi tiến hành xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Algeria, các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ về thị trường cũng như các chính sách về thuế quan, luật lao động, phương thức thanh toán, tranh chấp, việc thu hồi nợ…
|