Với sự hỗ trợ,Đểngườikhuyếttậttựtinvươtỉ sô mu quan tâm của địa phương, các cấp, các ngành, cộng đồng và ý chí của mỗi người, đã giúp người khuyết tật có thêm động lực vươn lên, từng bước ổn định cuộc sống.
Vận động xã hội hóa chăm lo, hỗ trợ người khuyết tật luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm đẩy mạnh.
Nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ
Sức khỏe kém, khó khăn trong vận động, sinh hoạt, khó có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp... là những khó khăn mà người khuyết tật phải đối mặt.
Theo ông Ngô Triều Phương, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật - Trẻ mồ côi - Bệnh nhân nghèo tỉnh, với mục tiêu giúp người khuyết tật giảm bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, cùng với các chính sách chung của Nhà nước, các cấp hội bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi - bệnh nhân nghèo trên địa bàn tỉnh thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu và hoàn cảnh của người khuyết tật để có biện pháp trợ giúp kịp thời, thiết thực, phù hợp như trợ giúp pháp lý, hỗ trợ xây dựng nhà tình thương, hỗ trợ xe lăn, xe lắc, thẻ bảo hiểm y tế, tặng quà…
Bị khuyết tật vận động bẩm sinh, mọi sinh hoạt đều do mẹ giúp đỡ, nên không chỉ bản thân anh Dương Văn Sen, ở khu vực 7, phường IV, thành phố Vị Thanh, không làm được gì mà mẹ anh chẳng thể đi làm xa, bởi phải chăm sóc cho anh. Để lo kế mưu sinh, mỗi ngày bà Nguyễn Thị Chín (mẹ anh Sen) đi bắt ốc bán. Cuộc sống luôn trong tình cảnh túng thiếu, bởi sức khỏe anh Sen không được tốt, cứ hay bị bệnh. Để tạo điều kiện cho anh di chuyển dễ dàng, Hội Bảo trợ Người khuyết tật - Trẻ mồ côi - Bệnh nhân nghèo tỉnh đã vận động trao tặng chiếc xe lăn. Bà Chín bộc bạch: “Có chiếc xe lăn này, tôi đẩy thằng Sen đi tới, đi lui thuận tiện lắm. Cám ơn hội đã quan tâm chăm lo, hỗ trợ những gia đình có người khuyết tật như chúng tôi”.
Còn ông Đặng Văn Hoài, ở ấp 5, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, cho biết: “Tôi bị khuyết tật ở chân, hàng tháng, tôi được nhận tiền bảo trợ xã hội, ngoài ra còn được tặng chiếc xe lắc. Từ ngày có xe lắc, tôi đi bán vé số, cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn”. Trước đây, khi chưa có chiếc xe lắc, ông Hoài đi giăng lưới kiếm cá, nhờ có xe ông di chuyển dễ dàng nên đi bán vé số, mỗi ngày kiếm được trên 100.000 đồng, lo cuộc sống gia đình.
Toàn tỉnh có trên 18.600 người khuyết tật hưởng trợ cấp thường xuyên, trong đó, có 6.440 người khuyết tật đặc biệt nặng và trên 12.200 người khuyết tật nặng. Thời gian qua, các chính sách trợ giúp người khuyết tật được thực hiện đúng quy định, đảm bảo mọi người khuyết tật đều được hưởng chính sách trợ giúp đầy đủ, kịp thời. Công tác vận động, huy động nguồn lực để triển khai các hoạt động chăm sóc giúp đỡ, hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần đối với người khuyết tật được tích cực thực hiện. Từ sự hỗ trợ kịp thời và thường xuyên nên ngày càng có nhiều người khuyết tật đã vượt qua khó khăn, nhất là sự mặc cảm, tự ti để chủ động vươn lên, xây dựng cuộc sống mới.
Vươn lên sống tốt
Lúc hơn 6 tuổi, ông Lâm Khiêm, ở khu vực 1, phường VII, thành phố Vị Thanh, bị sốt bại liệt, căn bệnh này đã làm chân của ông bị teo dần. Tuy gia đình chạy vạy, chữa trị khắp nơi để chữa nhưng bệnh của ông vẫn không cải thiện.
Đi đứng khó khăn, dẹp bỏ mặc cảm với những ánh nhìn ái ngại, ông Khiêm cố gắng theo học hết lớp 9. Với quyết tâm không vì khiếm khuyết của bản thân mà trở thành gánh nặng cho xã hội, ông chọn học nghề sửa điện tử, vì nghề này không phải di đứng nhiều. Sau gần 4 năm học nghề ở quê và thành phố Cần Thơ, ông rành nghề và trở về quê mở căn tiệm nhỏ nhỏ tại nhà. Từ ngày có nghề, cuộc sống của ông cũng ổn định hơn, bởi có nguồn thu nhập hàng ngày. “Tôi chuyên sửa tivi, âm-li, loa… mỗi ngày thu nhập cũng được vài chục nghìn đồng. Bây giờ nhà tôi dời về đây sửa không được nhiều, hồi trước ở ngoài chợ có nhiều khách ghé sửa lắm”, ông Khiêm cho biết.
Theo ông Khiêm, cảm giác kiếm tiền từ chính sức lao động của mình thật sự rất hạnh phúc và xóa đi suy nghĩ bản thân là gánh nặng của gia đình và xã hội. Điều đáng quý ở ông, dẫu mang khiếm khuyết cơ thể, nhưng ông luôn cố gắng lao động để lo cho cuộc sống gia đình. Ông Khiêm chia sẻ: “Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, một mình tôi làm lo cho cả gia đình, khoảng 2 năm nay thu nhập giảm nhiều, vợ tôi phải đi bán vé số để phụ thêm lo cuộc sống”, ông Khiêm chia sẻ.
Với quan niệm “tàn nhưng không phế”, ông Khiêm cùng nhiều người khuyết tật trên địa bàn tỉnh ngày ngày cố gắng vươn lên, để có cuộc sống tốt hơn. Ông Khiêm bộc bạch: “Được mọi người quan tâm, động viên, dù còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục phấn đấu vươn lên, để tránh làm gánh nặng cho xã hội”.
Theo ông Ngô Triều Phương, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật - Trẻ mồ côi - Bệnh nhân nghèo tỉnh: Đời sống của người khuyết tật từng bước được cải thiện và nâng lên. Tuy nhiên, vẫn còn người khuyết tật thuộc hộ nghèo, cận nghèo, sống phụ thuộc vào sự trợ giúp của gia đình và xã hội. Cùng với các chính sách chung của Nhà nước, sự chăm lo của các cấp hội, rất mong sự chung tay hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, để tạo điều kiện giúp người khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng. Riêng với người khuyết tật đừng bao giờ ngừng cố gắng, vì chỉ có cố gắng mới giúp mọi người vượt lên, ổn định cuộc sống để làm người có ích cho xã hội...
Với sự chung tay của các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội sẽ góp phần động viên, tiếp thêm nghị lực, giúp người khuyết tật có cuộc sống tốt hơn.
Toàn tỉnh có trên 18.600 người khuyết tật hưởng trợ cấp thường xuyên, trong đó 6.440 trường hợp đặc biệt nặng và trên 12.200 người khuyết tật nặng. Từ năm 2022 đến nay, các cấp hội bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi - bệnh nhân nghèo các cấp trên địa bàn tỉnh đã vận động trao tặng 200 xe lăn, xe lắc đến người khuyết tật. Hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 6 căn nhà tình thương, trao tặng trên 54.000 phần quà, hỗ trợ khó khăn cho nhiều người khuyết tật đặc biệt nặng… |
Bài, ảnh: BÍCH CHÂU