Chốt lời
Dù đã hồi phục trở lại, song thanh khoản thị trường vẫn lẹt đẹt ở mức thấp, quanh 5.000 tỷ đồng/phiên. Trước đó, thanh khoản trung bình trong tháng 5 cũng chỉ đạt 7.160 tỷ đồng/phiên, nếu không tính giao dịch kỷ lục 30.716 tỷ đồng cổ phiếu VHM thì giá trị giao dịch cả thị trường chỉ đạt mức 5.764 tỷ đồng/phiên, thấp nhất trong 7 tháng qua. Một báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán SSI chỉ ra rằng, thanh khoản sụt giảm có thể được lý giải do một phần dòng tiền đã dịch chuyển từ thị trường cơ sở sang thị trường phái sinh trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng kém tích cực. Trong tháng 5, giá trị giao dịch của thị trường phái sinh đã tăng gấp 2,3 lần tháng 4, đạt mức bình quân 7.400 tỷ đồng/phiên và vượt qua thị trường cơ sở. Phiên kỷ lục vào ngày 30/5 đã có 114.000 hợp đồng được giao dịch, tương đương với 10.446 tỷ đồng giá trị hợp đồng. Bối cảnh thị trường giá xuống đã tạo điều kiện cho các hợp đồng tương lai phát huy lợi thế giao dịch hai chiều và giao dịch T+0 vượt trội so với thị trường cơ sở. Trở lại với giao dịch của khối ngoại, việc khối này liên tục bán ròng đã gia tăng sức ép lên thị trường. Chỉ tính riêng giao dịch khớp lệnh, khối ngoại đã bán ròng 6.600 tỷ đồng trong tháng 5, tăng mạnh so với mức 3.000 tỷ đồng trong tháng 4. Như vậy, khối ngoại đã bán ròng trong 4 tháng liên tiếp với giá trị lên tới 12.800 tỷ đồng. Nhờ một số giao dịch thỏa thuận lớn, đáng chú ý là giao dịch 28.500 tỷ đồng cổ phiếu VHM, nhà đầu tư nước ngoài duy trì mua ròng trên thị trường chứng khoán với giá trị 35.100 tỷ đồng lũy kế từ đầu năm. Theo các chuyên gia của VDSC, có 3 nguyên nhân dẫn tới việc gia tăng bán ròng của khối ngoại. Đó là việc tái cơ cấu danh mục từ những cổ phiếu đã tăng giá nhiều sang cổ phiếu mới niêm yết; lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng cao làm dấy lên lo ngại FED đẩy mạnh việc tăng lãi suất trong năm nay và cuối cùng là rủi ro chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và bất ổn địa chính trị trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có điểm sáng là các quỹ ETF đang có động thái mua vào khá tích cực trong thời gian gần đây. Trong tháng 5, 3 quỹ ETF đã liên tục tăng vốn và mua ròng 386 tỷ đồng cổ phiếu. Mặc dù quỹ VanEck bị rút vốn, hai quỹ VFM VN30 và DB FTSE Vietnam ETF được tăng vốn đáng kể giúp tổng dòng vốn ETF đảo chiều tăng khá từ tháng 5. Rủi ro trước cục diện mới Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn phân phối lại tài sản khi khối lượng lớn cổ phiếu được niêm yết trong thời gian ngắn làm thay đổi cục diện thị trường. VHM và TCB được niêm yết với giá trị tương ứng 246.000 tỷ đồng và 149.000 tỷ đồng là những thương vụ chào sàn điển hình trong thời gian gần đây. Trong thời gian tới, nhiều cổ phiếu có kế hoạch chuyển sàn niêm yết như ACV, HVN, BSR, GVR, POW, PGV, hay các doanh nghiệp đang rục rịch lên sàn như VEAM, Thaco... với tổng giá trị ước tính hơn 500.000 tỷ đồng. Những cổ phiếu này tác động không nhỏ làm thay đổi cơ cấu thị trường cũng như tỷ trọng danh mục các chỉ số. Nhiều quỹ đầu tư phải cân đối lại danh mục bằng cách bán ra lượng đang nắm giữ để mua vào các cổ phiếu mới. Điều này cũng giúp lý giải một phần nguyên nhân khối ngoại liên tục bán ròng trên sàn trong thời gian qua. Hoạt động này đã gây áp lực lớn lên các cổ phiếu trên sàn cũng như chỉ số chung một cách có hệ thống. Sự góp mặt của nhiều cổ phiếu lớn cũng làm gia tăng mức độ tập trung của thị trường vào nhóm cổ phiếu trụ cột. Sau khi TCB niêm yết, top 10 cổ phiếu lớn nhất sàn HOSE bao gồm VIC, VHM, VNM, VCB, GAS, SAB, TCB, CTG, BID và HPG chiếm tỷ trọng 57,8% giá trị vốn hóa toàn sàn; top 20 cổ phiếu chiếm tới 78% giá trị sàn HOSE. Mức độ tập trung này lớn hơn rất nhiều so với các các thị trường trong khu vực như Thailand, Indonesia, Philippines với tỷ trọng tương ứng 53%, 59% và 66% thuộc về top 20. Với sự niêm yết của VRE và VHM trong thời gian vừa qua, 3 cổ phiếu Vingroup đã tạo thành nhóm lớn chiếm tỷ trọng 22% về vốn hóa và và 14% thanh khoản toàn sàn. Trong khi đó, lợi nhuận nhóm này chỉ tương đương 7% tổng lợi nhuận toàn thị trường. Do đó, nhóm Vingroup với định giá P/E rất cao trên 50 lần đã kéo định giá chung của thị trường và ảnh hưởng đáng kể đến cách nhìn nhận của nhà đầu tư. Tương tự, nhóm cổ phiếu ngân hàng chưa tính TCB chiếm khoảng 22% giá trị vốn hóa sàn HOSE, chiếm 27,5% giá trị giao dịch và 29% tổng lợi nhuận toàn sàn. Nhóm ngân hàng hiện là nhóm chi phối thị trường chứng khoán lớn nhất và những rủi ro liên quan đến hệ thống ngân hàng cũng có thể coi là rủi ro chung của thị trường chứng khoán. Với những phân tích như trên, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Trưởng bộ phận phân tích và tư vấn đầu tư của SSI cho rằng, hai nhóm cổ phiếu không đại diện cho nền kinh tế nhưng lại có khả năng chi phối và ảnh hưởng lớn tới thị trường chứng khoán và vì vậy thị trường chứng khoán hay các chỉ số chứng khoán khó có thể coi là hàn thử biểu của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, điểm tích cực là dư nợ margin đã bớt căng thẳng. Theo thống kê không chính thức của VDSC thì dư nợ margin đã giảm khá nhiều ở thời điểm cuối tháng 5. Cùng với đó, dòng tiền bắt đáy đã có dấu hiệu xuất hiện vào những phiên cuối tháng 5 và dự kiến sẽ còn tiếp tục hỗ trợ thị trường trong thời gian tới. Nhưng chỉ riêng điểm này thì chưa đủ để khẳng định về khả năng phục hồi bền vững của thị trường trong ngắn hạn. Song với những tín hiệu tích cực như dòng khối ngoại có dấu hiệu quay trở lại, dư nợ vay margin đã giảm, cùng tâm lý của nhà đầu tư bắt đầu lạc quan hơn thì tín hiệu về một sự phục hồi trong ngắn hạn rất có thể sẽ xảy ra. Mặc dù vậy, thị trường vẫn được dự báo sẽ dao động nhiều hơn trong tháng 6. |