(CMO) Tại các cuộc tiếp xúc cử tri của tổ đại biểu HĐND TP. Cà Mau với bà con cử tri Phường 6, xã Hoà Tân, xã Hoà Thành..., rất nhiều lượt kiến nghị của cử tri phản ánh các lĩnh vực đời sống xã hội, kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế... Trong đó, đa số cử tri tỏ ra bức xúc khi loại hình nuôi tôm thâm canh đang tồn tại không ít khó khăn cần tháo gỡ.
Cử tri Trần Văn Của, Khóm 4, Phường 6, quan tâm chất lượng con giống, thức ăn, thuốc thú y thuỷ sản giá cả đầu vào cao, dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp. Thêm khó khăn của người nuôi là phải tự đầu tư trạm biến áp chuyên dùng. Đây là thách thức không nhỏ vì chi phí để đầu tư hạ thế lưới điện rất cao.
Xã Hoà Tân và địa phương có diện tích nuôi tôm lớn của TP Cà Mau. Ảnh: THIỆN NHÂN
Cử tri Trần Văn Của cho rằng, con giống là rất quan trọng, quyết định đến năng suất và sản lượng tôm nuôi. Thế nhưng, hiện nay tình trạng sản xuất con giống còn tràn lan khó kiểm soát, dẫn đến dịch bệnh trên tôm nuôi thường xuyên xảy ra. Đối với hình thức nuôi tôm thâm canh, nếu chất lượng con giống không tốt thì tỷ lệ tôm chết cao, thậm chí 100%, khi đó người nuôi sẽ vô cùng khốn đốn. Người nuôi không thể vay thêm tiền ngân hàng để tái đầu tư, song hàng tháng vẫn phải đóng lãi do đã thế chấp quyền sử dụng đất nông nghiệp cho ngân hàng.
Kỹ sư Nguyễn Minh Luân, cán bộ khuyến nông Phường 6, cho biết: "Diện tích nuôi tôm thâm canh trên địa bàn phường là 45 ha, 44 hộ nuôi, nhưng đến nay người nuôi mới thả giống được 24 ha vì thiếu vốn, dịch bệnh... Khoảng 50% hộ nuôi có lãi, còn lại huề vốn hoặc lỗ và đang loay hoay với bài toán nuôi hay không nuôi; Hơn 80% hộ nuôi phải vay vốn ở các ngân hàng".
Tại xã Hoà Tân, cử tri Huỳnh Văn Út, ấp Hoà Đông, cho rằng: Không ít hộ có diện tích đất nhỏ, không đáp ứng các quy định nuôi nên xả thải trực tiếp, gây ô nhiễm môi trường nước trên các kênh. Bên cạnh đó, tình trạng giá tôm giống cao, trong khi giá tôm nguyên liệu luôn biến động theo chiều hướng giảm khiến người nuôi tôm thâm canh gặp không ít khó khăn.
Cử tri Huỳnh Văn Út mong muốn, Nhà nước cần có giải pháp quản lý chặt giá tôm giống. Và về lâu dài phải xây dựng thương hiệu giống tôm Việt (truy xuất nguồn gốc, tôm sạch, có uy tín, chất lượng…), hỗ trợ vốn, khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất... để người nuôi tôm an tâm sản xuất.
Thời gian qua, mô hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh được xem là mô hình nuôi sẽ tạo ra đột phá cho sản lượng tôm nuôi của thành phố và tỉnh. Với hy vọng đó, UBND thành phố rà soát, quy hoạch vùng nuôi 3 ngàn héc-ta tôm nuôi thâm canh và siêu thâm canh tại 7 địa phương gồm: Hoà Tân, Hoà Thành, Tắc Vân, Định Bình, Phường 6, Phường 7, Phường 8 theo đề án tái cơ cấu ngành kinh tế của TP. Cà Mau giai đoạn 2015-2020. Quy hoạch thì đã có, nhưng từng ngày, từng giờ người nuôi tôm thâm canh TP Cà Mau vẫn luôn canh cánh nỗi lo về môi trường nước, chất lượng con giống, giá thành con tôm...
"Các xã, phường cần tuyên truyền Hướng dẫn số 34 liên sở về việc thực hiện quy định tạm thời điều kiện nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh Cà Mau cho các hộ nuôi tôm và vận động bà con chấp hành đúng quy định để đảm bảo an toàn trong sản xuất và bảo vệ môi trường. Phổ biến lịch thời vụ và cảnh báo thời tiết nông vụ cho nông dân. Đối với những trường hợp chưa đạt các yêu cầu theo quy định cần cùng với bà con tìm hướng khắc phục để đảm bảo sản xuất an toàn. Tạo điều kiện cho mô hình này phát triển, giúp nông dân tăng thu nhập là mong muốn chung của thành phố nhưng phải trên cơ sở tuân thủ quy định an toàn chăn nuôi và không gây ô nhiễm môi trường để có thể phát triển bền vững", Phó chủ tịch HĐND TP Cà Mau Nguyễn Văn Nhâm khẳng định./.