Thời gian qua,ểnnngnghiệpgắnvớidulịket qua phat goc các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh vận động người dân chuyển đổi cây trồng, nâng chất các mô hình sản xuất nông nghiệp, lồng ghép kết hợp để từng bước phát triển nông nghiệp và du lịch. Điều này phù hợp với định hướng về Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy. Ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư Huyện ủy Phụng Hiệp, tham quan mô hình trồng khóm MD2 trên địa bàn xã Phương Bình. Ảnh: D. KHÁNH Chuyển đổi mô hình hiệu quả Để thực hiện Nghị quyết số 01 của Huyện ủy Phụng Hiệp về “Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch”, huyện Phụng Hiệp đã chủ động phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ ký kết thỏa thuận hợp tác ở một số các nội dung: Hỗ trợ hoạt động nghiên cứu xây dựng các đề tài, dự án phát triển kinh tế. Chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình, ứng dụng kết quả đề tài, dự án phù hợp với điều kiện thực tế nhằm hỗ trợ tích cực và hiệu quả cho các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Phụng Hiệp. Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, công nghệ cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Phụng Hiệp. Sau khi ký kết công việc đầu tiên của huyện Phụng Hiệp là triển khai quy hoạch lại vùng sản xuất và các tuyến du lịch trên địa bàn. Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Sau khi ký hợp tác, huyện sẽ tổ chức quy hoạch lại vùng sản xuất, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao. Như cây khóm MD2 bén duyên với vùng đất xã Phương Bình cách đây hơn 4 năm, từ 4ha ban đầu, giờ đây loại nông sản này đang dần phủ kín khu vực bờ bao Lung Ngọc Hoàng, với diện tích hơn 112ha. Với đất đai phù hợp, cây khóm MD2 không chỉ cho vị ngọt thanh, năng suất bình quân đạt 7 tấn/công, mang lại thu nhập cho người dân hơn 150 triệu đồng/ha/năm. Theo định hướng phát triển, cây khóm MD2 sẽ được mở rộng lên diện tích 2.000ha để gắn kết phát triển du lịch. Ông Nguyễn Văn Sỹ, người dân trồng khóm ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Nông dân ở khu vực này đang ăn nên làm ra với cây khóm MD2. Trong tương lai nếu được gắn kết phát triển với du lịch thì càng phấn khởi hơn. Nông dân ở đây thì chân lấm tay bùn, nhưng nhiệt huyết nên cũng mong đợi các cấp chính quyền tổ chức triển khai các kỹ năng làm du lịch. Còn ở đây thì chúng tôi sẽ tổ chức bảo tồn các loài động vật hoang dã, cá đồng, bông súng, sen, để phục vụ khách du lịch trong tương lai”. Xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, là địa phương được đánh giá là phù hợp để phát triển du lịch nông nghiệp. Bởi, trên địa bàn hiện có Khu căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, tượng đài Tây Đô những địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cách mạng. Đặc biệt, trên địa bàn còn có Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, nơi đang lưu giữ và bảo tồn 330 loài thực vật, 206 loài động vật, trong đó có nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam, rất thích hợp cho phát triển du lịch sinh thái. Chính vì thế mà định hướng của địa phương hiện nay là tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ tạo ra các loại nông sản chất lượng để gắn kết vừa phát triển du lịch vừa tiêu thụ nông sản do chính bà con địa phương làm ra. Ông Nguyễn Văn Tình, Bí thư Đảng ủy xã Phương Bình, cho biết: “Khi tiếp nhận nghị quyết thì Đảng bộ và Nhân dân xã Phương Bình rất phấn khởi, bởi Phương Bình hội đủ những điều kiện để làm du lịch như có những điểm tham quan và nhiều mô hình sản xuất đặc trưng như: mít, sầu riêng, khóm MD2. Để phù hợp phát triển du lịch thì hiện nay chúng tôi vận động Nhân dân trên liếp trồng khóm, dưới mương nuôi cá, trồng bông súng, các tuyến đường thì trồng hoa cho đẹp hơn”. Bên cạnh việc tập trung nhân rộng những mô hình sản xuất thì hiện nay huyện Phụng Hiệp cũng đã quy hoạch hai tuyến du lịch, tuyến thứ nhất là từ Thạnh Hòa về vườn tre Bambo, trên tuyến này có các mô hình như: Làng nghề đũa tre, bó chổi hay cá thát lát. Tuyến thứ hai là Phương Bình về Lung Ngọc Hoàng, có các di tích như: Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, tượng đài Tây Đô. Trên hai tuyến này nhiều mô hình du lịch cũng đang dần hình thành và phát triển. Như khu Thạch Sanh Fram, ở ấp Long Sơn 2, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, được đưa vào khai thác trước Tết Nguyên đán 2022 và dần trở thành điểm đến lý tưởng cho bà con trong vùng và các tỉnh, thành lân cận muốn tìm cảm giác bình yên, trong lành của vùng quê. Với diện tích 1ha, Thạch Sanh Fram vừa là điểm vui chơi giải trí kết hợp với thưởng thức các món ăn và trái cây đặc sản của Hậu Giang. Anh Lưu Thạch Sanh, chủ khu du lịch Thạch Sanh Fram, cho biết: “Khu du lịch cho kết hợp trò chơi dân gian và khu vui chơi sinh thái, để cho các bạn trẻ có hoạt động giải trí hoặc các đoàn nghỉ dưỡng vào dịp cuối tuần. Còn vườn sinh thái thì cho tham quan miễn phí mít Thái, du khách có thể tham quan và bẻ trái thưởng thức tự nhiên”. Nhiều tiềm năng, lợi thế Ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư Huyện ủy Phụng Hiệp, cho biết: Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, huyện Phụng Hiệp sẽ tập trung phát triển theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các chuỗi liên kết và giá trị. Vận động Nhân dân liên kết lại hình thành các vùng nguyên liệu với sản lượng lớn đủ cung cấp cho các công ty, doanh nghiệp và qua đó cũng gắn kết với phát triển du lịch ở một khu vực, một vùng. Để tạo điều kiện được giá trị nông sản và lợi nhuận cho người nông dân. Trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Phụng Hiệp về kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho rằng: Sau khi Nghị quyết 04 được ban hành, huyện đã chủ động rà soát, tiếp thu và có bước chuẩn bị nghiêm túc. Phụng Hiệp có nhiều tiềm năng, lợi thế khi thực hiện Nghị quyết 4 trụ cột. Tuy nhiên, cần tiếp tục quan tâm chuyển đổi cây trồng có hiệu quả, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh; lồng ghép kế hoạch xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương trong phát triển các đô thị, du lịch trên địa bàn. Theo UBND huyện Phụng Hiệp, để thực hiện Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thực hiện đề án phát triển khu công nghiệp, mở rộng khu công nghiệp với quy mô khoảng 1.000ha. Triển khai đầy đủ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Nâng cao thu nhập bình quân hàng năm, xây dựng cơ sở hạ tầng. Lĩnh vực phát triển đô thị, huyện sẽ tiếp tục hoàn chỉnh và phê duyệt đồ án quy hoạch chung đô thị Cây Dương đến năm 2040; phê duyệt đồ án quy hoạch khu đô thị mới Búng Tàu, Tân Long, làm cơ sở để kêu gọi đầu tư. Thực hiện kêu gọi đầu tư khu đô thị mới Cái Tắc - Thạnh Hòa; khu dân cư nông thôn mới Hòa Mỹ, khu đô thị mới Búng Tàu, khu đô thị mới Tân Long, khu dân cư thương mại Rạch Gòi. Tiếp tục rà soát mức độ thực hiện tiêu chí nông thôn mới, xây dựng 2 xã Hiệp Hưng, Tân Bình, đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022 và các xã còn lại được công nhận thêm từ 1-2 tiêu chí; tiếp tục nâng cao các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được trên địa bàn huyện. Phối hợp với các doanh nghiệp để làm cầu nối cho hợp tác xã thực hiện hợp đồng bao tiêu cho lúa, cây ăn trái… Trên lĩnh vực du lịch, huyện tích hợp mục tiêu phát triển du lịch gắn với đầu tư xây dựng và phát triển Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, liên kết với chợ nổi Ngã Bảy và các khu, điểm du lịch lân cận…
T.TRÚC - D.KHÁNH |