【bang diem y】Ngôi trường kháng chiến 

作者:Thể thao 来源:La liga 浏览: 【 】 发布时间:2025-01-25 11:14:06 评论数:

Báo Cà Mau(CMO) Thực hiện kết nghĩa giữa “hậu phương” và “tiền tuyến” theo sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, ngày 15/4/1964, Trường Cà Mau - Ninh Bình chính thức được thành lập tại vùng căn cứ tỉnh Cà Mau (mũi Ông Lục, đầm Bà Tường). Cái tên Cà Mau - Ninh Bình là biểu tượng ghi đậm mối tình kết nghĩa giữa quân, dân 2 tỉnh Cà Mau và Ninh Bình.

Nhiệm vụ của trường là nuôi dạy con liệt sĩ, con thương binh và con cán bộ, bộ đội nhằm tạo điều kiện cho lực lượng này an tâm công tác. Đồng thời, đào tạo đội quân hậu bị kế thừa cho cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc. Khoá đầu tiên học chính thức bắt đầu vào đầu tháng 7/1964, có 15 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và 108 học sinh.

Trường duy trì hoạt động suốt 11 năm (3 khoá), với 64 lượt cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và đào tạo được 484 học inh ở vùng giải phóng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược vô cùng gian khổ, ác liệt. Đây quả là một kỳ tích.

Đầm Bà Tường vừa là khu căn cứ kháng chiến, vừa nuôi sống bà con vùng này qua những năm chiến tranh gian khổ, ác liệt và cũng là nơi Trường Cà Mau - Ninh Bình được thành lập. Ảnh tư liệu

Khi chiến tranh ác liệt, giáo viên và học sinh lại tạm biệt sách vở để tham gia kháng chiến. Người vào bộ đội, người vào làm việc các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, khu. Số em nhỏ tuổi được Nhà trường gửi lại cùng ăn, ở với bà con. Những lúc như vậy, Tỉnh uỷ Cà Mau tiếp tục chọn nơi an toàn để xây dựng lại trường lớp.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, với đội ngũ gần 100 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trường tiếp tục đào tạo trên 1.000 học sinh. Đây là nguồn nhân lực quan trọng phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Những con số ấn tượng

Qua 4 khoá học, nhà trường đã đào tạo trên 1.500 học sinh. Số học sinh này đều trở thành những chiến sĩ cách mạng trung kiên của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có trên 100 giáo viên và học sinh tham gia lực lượng vũ trang. Trong đó, có 34 đồng chí anh dũng hy sinh và 43 đồng chí bị thương. Tinh thần nhiệt tình cách mạng của thầy và trò đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ; vừa cầm bút, vừa cầm súng, quyết tâm giảng dạy và học tập thật tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng giao.

Trong hoà bình, với nhân cách của những nhà giáo, đặc biệt là “nhà giáo kháng chiến”, các giáo viên vẫn tiếp tục sống mẫu mực về mọi mặt, luôn làm gương sáng cho các thế hệ tiếp sau.

Đến nay, nhiều cán bộ, giáo viên được tặng thưởng nhiều huân, huy chương các loại; 1 nhà giáo Nhân dân, 2 nhà giáo ưu tú; 4 nhà giáo là Tỉnh uỷ viên; 1 nhà giáo là đại biểu Quốc hội; 5 nhà giáo là giám đốc, phó giám đốc, phó ban, ngành tỉnh. Hầu hết các nhà giáo đều là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề trong và ngoài tỉnh. 

Học sinh của trường hầu hết trở thành tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhà văn, nhà báo, nhà giáo và nhà doanh nghiệp thành đạt. Một số trở thành cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước các cấp: 1 uỷ viên Trung ương Đảng, 10 người đã và đang là thường vụ Tỉnh uỷ, 1 phó bí thư, chủ tịch tỉnh; 3 phó chủ tịch tỉnh. Nhiều học sinh trở thành giám đốc, phó giám đốc, trưởng ban, phó ban, ngành tỉnh; bí thư, chủ tịch huyện, thành phố; sĩ quan cao cấp của lực lượng vũ trang.

Đặc biệt, nhiều người được phong hàm cấp tướng như: Huỳnh Hữu Chiến (nguyên Phó Tổng cục An ninh), Hồ Việt Lắm (nguyên Cục trưởng Cục An ninh Tây Nam Bộ), Trần Triều Dương (nguyên Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Hoàng Thuỷ (Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 9)...

Vượt qua gian khó

Khi học ở trường, học sinh được xem như cán bộ thoát ly gia đình tham gia kháng chiến, hoà nhập với cuộc sống tập thể thiếu thốn, khó khăn, gian khổ. Để có nơi giảng dạy và học tập, thầy và trò nhà trường phải tự xây dựng trường lớp, nơi ăn chốn ở. Khi nhận được kế hoạch phân bổ chỉ tiêu lương thực, nhà trường phải tự đi thu lúa đảm phụ trong dân về xay xát mới có gạo ăn. Phải tự chài cá, giăng câu, giăng lưới, chăn nuôi để có thực phẩm phục vụ cuộc sống hằng ngày.

Mỗi khi địch đổ quân, càn quét, số học sinh lớn tuổi được trang bị vũ khí cùng cán bộ, giáo viên sẵn sàng chiến đấu để bảo tồn lực lượng, giữ vững trận địa, giữ vững trường lớp. Những em nhỏ tuổi được gửi trong nhà dân và như thế các em trở thành con, cháu ruột của mỗi gia đình.

Trước khi đổ quân, giặc thường dùng phi pháo bắn phá, “dọn bãi” ác liệt. Đặc biệt, có 1 trận, 3 cô giáo Ngô Thị Hồng Tươi, Nguyễn Thị Mỹ Thu và Nguyễn Thị Hồng Bé sau khi lo cho học sinh trú ẩn an toàn, các cô trúng mảnh đạn pháo của địch. Cô Tươi hy sinh, cô Thu và Bé bị thương.

Nhiều lần trường đưa đội tự vệ kết hợp với du kích địa phương chặn đánh cuộc hành quân “nhảy dò”, kể cả các cuộc càn lớn của địch như Trung đoàn 32, Sư đoàn 21 nguỵ. Đặc biệt, vào đầu tháng 6/1970, trận đánh tại Ấp 9, xã Tân Tiến, huyện Tư Kháng (nay là huyện Đầm Dơi) ta đã tiêu diệt 5 tên địch, làm bị thương 7 tên khác; bọn địch khiếp sợ phải rút quân, chở xác chết và bị thương về bằng trực thăng. Ta đã bẻ gãy cuộc hành quân càn quét của địch, được Nhân dân hết lời khen ngợi. Thầy và trò nhà trường vui mừng, phấn khởi tiếp tục việc dạy và học.

Dạy chữ, dạy người

Ngoài việc dạy kiến thức văn hoá, khoa học, nhà trường còn coi trọng giáo dục đạo đức cho học sinh. Giáo dục cho các em hiểu sâu sắc truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất, kiên cường trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Yêu cầu và thực hiện nhiều biện pháp để các em rèn luyện những chuẩn mực đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; có ý thức tổ chức, kỷ luật, tinh thần tập thể; yêu quê hương đất nước, yêu lãnh tụ… và những truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc.

Các em đã trở thành những tập thể biết đoàn kết thương yêu giúp nhau trong học tập, rèn luyện đạo đức và mọi sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày.

Ngoài ra, còn giáo dục cho học sinh luôn có ý thức sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào, đi bất cứ nơi đâu khi Đảng, Nhà nước cần và phân công. Lao động sản xuất cũng là biện pháp quan trọng để giáo dục, hình thành nhân cách tốt đẹp cho học sinh.

Cán bộ, giáo viên luôn gương mẫu trong mọi việc, là tấm gương để giáo dục học sinh. Sự thương yêu, đùm bọc của giáo viên và cán bộ nhà trường đối với học sinh được thể hiện như người anh, người chị, người cha, người mẹ, là động lực để các em cố gắng học tập và rèn luyện đạo đức.

Ngoài việc dạy các em nâng cao trình độ học vấn, giáo viên còn lo cho các em từ miếng ăn, giấc ngủ; chăm sóc các em từ viên thuốc, ngụm nước mỗi khi trái gió, trở trời. Đặc biệt, mỗi khi giặc bố, giặc càn, các thầy cô giáo bằng mọi cách bảo vệ an toàn cho các em…
Với những thành tích xuất sắc, vào ngày 16/12/2014, trường được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân./.

NGND-TS Thái Văn Long