Đề xuất tăng kịch trần
Xăng với khung mức thuế từ 1.000 - 4.000 đồng/lít, được đề nghị tăng từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít. Dầu diesel có khung mức thuế từ 500-2.000 đồng/lít, đề nghị tăng từ 1.500 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn có khung mức thuế từ 300-2.000 đồng/lít, đề nghị tăng từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít. Mỡ nhờn có khung mức thuế từ 300-2.000 đồng/kg. Mức thuế hiện hành là 900 đồng/kg. Đề nghị tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg. Các mức sau khi tăng đều là mức trần. Riêng nhiên liệu bay, dầu hỏa giữ như hiện hành vì mức thuế của nhiên liệu bay đang ở mức trần trong khung thuế suất; dầu hỏa là mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đa số người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. |
Lý giải nguyên nhân đưa ra đề xuất nói trên, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết: Đề xuất này nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách tài chính hướng tới phát triển bền vững và nhằm mục tiêu cơ cấu lại nguồn thu NSNN, đồng thời thực hiện mục tiêu cải cách thuế BVMT, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ.
Ngoài thực hiện các quan điểm, chủ trương trên và để phát triển kinh tế bền vững gắn với BVMT, theo ông Thi, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế BVMT còn xuất phát từ thực tế hội nhập. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia 11 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Nhất là xăng, mức thuế NK cam kết trong WTO là 40%, tuy nhiên mức thuế ưu đãi trong FTA chỉ có 20%. Theo lộ trình thực hiện các FTA thì chúng ta còn phải giảm dần mức thuế NK đối với xăng dầu xuống mức ưu đãi nhất là cả xăng và dầu đều về 0%. Riêng trong Biểu thuế NK ưu đãi từ ASEAN, thuế NK dầu đã về 0% từ 2015.
Đặc biệt, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN và châu Á nói chung. Theo bảng xếp hạng của trang web Global Petrol Prices vào ngày 27/11/2017, giá bán lẻ xăng của Việt Nam đứng vị trí 45 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia (thấp hơn 122 nước) với mức giá là 18.580 đồng/lít, thấp hơn so với 3 nước có chung đường biên giới với Việt Nam (thấp hơn Lào là 5.304 đồng/lít, Campuchia là 2.988 đồng/lít, Trung Quốc là 1.650 đồng/lít) và thấp hơn một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác trong khu vực ASEAN, châu Á (như thấp hơn Singapore là 18.560 đồng/lít, Philippines là 3.892 đồng/lít, Hồng Kông là 27.974 đồng/lít).
Như vậy, việc tăng thuế BVMT sẽ góp phần giảm tác động do thực hiện cắt giảm mức thuế NK theo các cam kết quốc tế và điều chỉnh mức thuế MFN hiện hành bằng mức thuế ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định thương mại tự do nhằm tránh mức thuế khác nhau đối với cùng một sản phẩm. Ngoài ra, việc tăng thuế BVMT đối với xăng dầu như trên sẽ đảm bảo giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam tương đồng với giá bán xăng dầu của các nước trong khu vực, góp phần hạn chế buôn lậu xăng dầu.
Khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm
Xem xét về tác động, thực tế, xăng dầu là sản phẩm có chứa nhiều chất gây ô nhiễm môi trường như chì, lưu huỳnh, benzen, hydrocacbon thơm, hydrocacbon nặng và một số phụ gia,... Đây là những chất gây hại đến an toàn, sức khỏe và môi trường, trong đó, tiếp xúc với chất benzen trong một thời gian nhất định có thể tiềm ẩn nguy cơ ung thư. Do đó, việc điều chỉnh tăng mức thuế BVMT đối với xăng dầu sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; chuyển dần sang sản xuất, sử dụng sản phẩm, nhiên liệu thân thiện với môi trường như xăng E5, qua đó giảm bớt các tác động tiêu cực đến môi trường.
Đối với giá bán lẻ xăng dầu, theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu thì thuế BVMT là một trong các yếu tố cơ bản cấu thành giá cơ sở. Theo đó, với phương án điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng dầu chỉ tăng 1.000 đồng/lít đối với xăng và nếu giá dầu thô không biến động nhiều, các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi thì mức độ tác động đối với giá bán xăng dầu như sau: Đối với xăng, tỷ lệ tăng thuế BVMT trong giá bán khoảng 4,9%; đối với dầu diesel khoảng 3,2%; đối với dầu mazut khoảng 8,9%; đối với dầu nhờn khoảng 0,6% và đối với mỡ nhờn khoảng 2,3%.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, do xăng dầu là sản phẩm chứa các chất hóa học gây ảnh hưởng xấu đến môi trường trên diện rộng ngay cả khi không sử dụng nên việc điều chỉnh tăng mức thuế BVMT đối với xăng dầu sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; chuyển dần sang sản xuất, sử dụng sản phẩm, nhiên liệu thân thiện với môi trường, qua đó giảm bớt các tác động tiêu cực đến môi trường. Theo tính toán, với mức thuế BVMT hiện hành đối với xăng gốc hóa thạch là 3.000 đồng/lít thì mức thuế BVMT đối với xăng E5 thấp hơn mức thuế BVMT đối với xăng gốc hóa thạch là 150 đồng/lít. Với mức thuế BVMT đối với xăng gốc hóa thạch dự kiến là 4.000 đồng/lít thì mức thuế BVMT đối với xăng E5 thấp hơn mức thuế BVMT đối với xăng gốc hóa thạch là 200 đồng/lít, giảm 50 đồng/lít so với hiện hành. Từ đó, giá xăng E5 sẽ thấp hơn giá xăng gốc hóa thạch. Cùng với quy định mức thuế TTĐB đối với xăng E5 thấp hơn xăng gốc hóa thạch thì việc tăng mức thuế BVMT đối với xăng gốc hóa thạch như trên sẽ tạo thêm chênh lệch giữa giá xăng E5 và xăng gốc hóa thạch, từ đó góp phần khuyến khích sản xuất và sử dụng xăng sinh học, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế: Hiện nay, vấn đề cơ cấu lại nguồn thu NSNN đang được đặt lên hàng đầu theo hướng tăng nguồn thu nội địa và giảm số thu từ hoạt động XNK theo phạm vi quốc tế, theo nguyên tắc tổng số thuế không thay đổi đảm bảo chi tiêu toàn dân. Vì vậy, với việc giảm thuế NK xuống thì cần phải tăng thuế trong nội địa lên, trong đó thuế BVMT là một trong những sắc thuế liên quan đến việc bảo đảm cân đối và cơ cấu lại ngân sách. Bên cạnh đó, với yêu cầu của việc BVMT, khí thải do xăng dầu gây ra không phải là vấn đề nhỏ. Trong phạm vi của Luật, việc tăng thuế BVMT của mặt hàng xăng dầu là được phép. Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội: Việc tăng thuế BVMT phải được thực hiện công bằng và minh bạch. Quan trọng nhất là phải có lộ trình và được thực hiện đúng thời điểm để các doanh nghiệp còn thực hiện kế hoạch tài chính. Đơn cử như việc khi một doanh nghiệp đang có kế hoạch đầu tư sản xuất, mở rộng kinh doanh hàng hóa, những yếu tố tác động lên tình hình tài chính của doanh nghiệp lúc này là khá quan trọng. Do vậy doanh nghiệp cần được chuẩn bị “tâm lý”, tránh bị động và lúng túng trong xử lý công việc. Ngoài ra, khi xây dựng chính sách phải dựa trên lợi ích chung, phục vụ cho cộng đồng; phải minh bạch được lợi ích người dân được hưởng thêm sau khi tăng thuế cũng như các nội dung chi từ thuế. Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam: Việc giảm tỷ lệ điều tiết thuế và giảm tỷ lệ thuế, phí/GDP phải theo mục tiêu của lộ trình cải cách thuế nhưng đồng thời cũng phải thực hiện được chỉ tiêu tổng số tiền thuế thực thu vào NSNN năm sau phải tăng hơn năm trước từ 10%/năm trở lên. Vì thế, vấn đề đặt ra là nếu sắc thuế này giảm thì phải tăng cường quản lý thuế và nghiên cứu, điều chỉnh tăng một số sắc thuế khác mang tính định hướng tiêu dùng, bảo vệ tài nguyên, môi trường… Ngoài ra, xăng dầu, túi nilon có tác động lớn đến môi trường, nên khi tăng thuế sẽ góp phần sử dụng nguồn năng lượng này tiết kiệm hơn, hiệu quả hơn. Người dân, DN sẽ cân nhắc chuyển sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, trong chính sách thuế liên quan đến phương tiện ô tô hiện nay, thuế BVMT đánh vào mỗi lít xăng tăng, nhưng thuế TTĐB lại điều chỉnh giảm đối với các loại ô tô sử dụng năng lượng sinh học, chỉ bằng 30% so với các sản phẩm sử dụng xăng. Rõ ràng, bên này chúng ta tăng thuế BVMT đối với xăng dầu, nhưng bên kia nếu sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường thì thuế lại giảm. Như vậy, các sắc thuế này có sự đan xen với nhau. Việc tăng thuế BVMT đối với một số sản phẩm như túi nilon, xăng dầu là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. T.L-H.V (ghi) |