Theo giới thiệu của Thượng tá Trần Thanh Vũ, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đất Mũi, chúng tôi đến thăm gia đình anh Phạm Bé Năm, ở ấp Kênh Đào Đông, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, là người được đồn tín chấp vay vốn xoá đói giảm nghèo.Theo giới thiệu của Thượng tá Trần Thanh Vũ, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đất Mũi, chúng tôi đến thăm gia đình anh Phạm Bé Năm, ở ấp Kênh Đào Đông, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, là người được đồn tín chấp vay vốn xoá đói giảm nghèo. Anh Năm phấn khởi kể: “Trước đây gia đình vô cùng khó khăn, không có vốn làm ăn. Nhưng mấy năm trở lại đây, nhờ được vay vốn từ dự án xoá đói giảm nghèo của Đồn Biên phòng Đất Mũi, cùng với sự chỉ dẫn kịp thời về cách làm ăn của cán bộ, chiến sĩ biên phòng, gia đình tôi đã thoát nghèo. Khi có dư, gia đình vay mượn thêm mua sắm xuồng máy làm nghề lưới cá khoai, cá lẹp. Không chỉ trả được vốn mà tôi còn mua sắm được một số phương tiện có giá trị trong gia đình và có điều kiện tiếp tục đầu tư sản xuất".
Cũng được vay vốn như anh Năm, ông Bùi Nghĩa Hiệp, ở ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, cho biết: "Trước đây tôi chỉ đánh bắt gần bờ nên thu nhập thấp. Khi có vốn của đồn biên phòng, tôi mua lưới đánh bắt xa bờ. Giờ đây, gia đình tôi đã có của ăn của để, mỗi năm trừ chi phí còn thu nhập từ 70-100 triệu đồng”. Ngoài hỗ trợ giúp dân vay vốn làm ăn, thời gian qua, Đồn Biên phòng Đất Mũi thực hiện hiệu quả Chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, đến nay đã vận động xây cất được 5 căn nhà tặng các gia đình khó khăn về nhà ở trên địa bàn, với số tiền gần 200 triệu đồng. Còn tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, dù lưu lượng tàu thuyền thường xuyên ra vào cư trú làm ăn của địa phương, các tỉnh lân cận có lúc lên đến hàng ngàn chiếc và hàng chục ngàn lao động. Trong số lao động về làm thuê cho các tàu đánh cá, không ít đối tượng nghiện ngập, có tiền án, tiền sự từ nơi khác về đây cư trú, nhưng mọi di biến động của các đối tượng đều bị khống chế. Theo đó, các lực lượng chức năng đã bắt, xử lý hàng trăm đối tượng và vụ việc có liên quan đến tình hình bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, góp phần tạo sự an tâm lao động, sản xuất, kinh doanh cho người dân nơi đây. Ông Trần Kiến Ba, khóm 8, thị trấn Sông Đốc, bộc bạch: "Không chỉ quản lý, bảo vệ chủ quyền tuyến biển bình yên, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sông Đốc còn quan tâm đến đời sống, sinh hoạt hằng ngày của người dân. Trước đây, hơn 200 hộ dân khóm 8 không có đường đi, mọi người trong khóm muốn sang trung tâm thị trấn hoặc đến các khóm khác đều phải đi xuồng, hoặc lội sình lầy cặp bờ vuông tôm, khổ nhất là các cháu nhỏ đi học. Hiểu được nỗi khổ của chúng tôi, Bộ đội Biên phòng cho lực lượng đào đắp thành con đường đất đen. Con đường hình thành không chỉ giúp bà con đi lại thuận tiện, tiết kiệm thời gian và tiền xăng dầu mà còn là bờ bao chắn nước biển tràn vào đồng nuôi tôm của Nhân dân”. Vững chắc thế trận biên phòng toàn dân Từ đầu năm 2015 đến nay, Đồn Biên phòng Đất Mũi đã phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương và các ban, ngành đến thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc Khmer nhân dịp lễ, Tết. Quân y đơn vị phối hợp với trung tâm y tế 2 xã tiêm chủng vắc-xin rubella và bệnh sởi cho trên 2.000 cháu, phối hợp Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ, Trung tâm Y tế xã Đất Mũi khám, cấp thuốc miễn phí cho 300 người nghèo, với số tiền trên 30 triệu đồng. Thượng tá Trần Thanh Vũ cho biết, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của Nhân dân trên địa bàn, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ của đồn nắm chắc tình hình, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, chủ động tham mưu cho địa phương có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền và các đoàn thể. Từ đầu năm đến nay, đơn vị củng cố 12 tổ Nhân dân tự quản với 48 thành viên, kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh ở địa phương. Đồng thời, đơn vị phối hợp chặt chẽ với địa phương làm tốt công tác sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn khi có thiên tai, tai nạn xảy ra trên biển. Đồn Biên phòng Sông Đốc có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển thuộc địa bàn 4 xã gồm: Phong Điền, Khánh Hải, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc và thị trấn Sông Đốc. Trong đó, thị trấn Sông Đốc thường xuyên có dân số từ 40.000 người trở lên.
Đại uý Nguyễn Chí Nguyện, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sông Đốc, cho biết: “Địa bàn quản lý của chúng tôi có cửa biển với lượng tàu thuyền đánh bắt thuỷ sản lớn nhất tỉnh, có Khu Du lịch Hòn Đá Bạc, mỗi năm thu hút hàng ngàn lượt khách thập phương tới tham quan du lịch. Vì vậy, trong công tác, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, xử lý vụ việc kiên quyết, đúng nguyên tắc và đúng pháp luật nhưng phải có lý, có tình và thể hiện được phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ". Đồng thời, phải phát huy được sức mạnh của Nhân dân, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững mạnh”. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc Lâm Văn Phú chia sẻ, ngoài hoàn thành nhiệm vụ chính trị được cấp trên giao phó, thời gian qua, đồn còn giúp địa phương xây cất hàng chục căn nhà cho gia đình nghèo; bảo lãnh với ngân hàng cho 20 hộ dân được vay vốn mua sắm ngư cụ, chăn nuôi heo, phát triển kinh tế gia đình; nhận đỡ đầu các gia đình chính sách. Đồn còn phối hợp địa phương bảo lãnh làm giấy khai sinh cho gần 300 cháu từ nơi khác về cư trú trên địa bàn để được đi học... “Mối quan hệ giữa Đồn Biên phòng Sông Đốc với địa phương như anh em một nhà, có công việc gì cũng bàn bạc, chia sẻ với nhau”, ông Phú bộc bạch./. Bài và ảnh: Lê Khoa |