Thưa ông, hướng tới mục tiêu trung hòa phát thải vào năm 2050, thị trường tín chỉ carbon được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn lực tài chính cho việc phát triển kinh tế kinh tế xanh. Với vai trò là một quỹ đầu tư lớn, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam? Việt Nam có tiềm năng rất lớn để xây dựng thị trường carbon chất lượng cao và khối lượng lớn. Trên 14 triệu ha rừng của Việt Nam là nguồn dự trữ carbon khổng lồ. Bên cạnh đó, hơn 3.000 km bờ biển cũng chính là một “mỏ vàng” để tạo ra tín dụng carbon xanh thông qua các dự án bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái biển. Ngoài ra, việc áp dụng các cải tiến về kỹ thuật, xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn cũng rất tiềm năng để đóng góp cho thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam. Những thế mạnh này nếu được khai thác đúng cách sẽ mang lại những nguồn thu rất lớn trong việc phát triển các mô hình kinh tế xanh. Ví dụ, Singapore hay Nhật Bản là những quốc gia sẽ có nhu cầu bù đắp phát thải rất lớn dựa vào quy mô nền kinh tế, tuy nhiên họ sẽ không có nhiều điều kiện và tài nguyên để tạo tín chỉ đáp ứng cho nhu cầu này. Nên để trung hòa phát thải, Chính phủ và DN Nhật hay Singapore sẽ tìm đến các đối tác ở Việt Nam để phát triển các dự án tín chỉ carbon theo cơ chế tín chỉ chung hoặc Điều 6 của Thỏa thuận Paris. Do đó, việc sớm thành lập thị trường và các tiêu chuẩn vận hành thị trường đồng nhất được với các tiêu chuẩn quốc tế sẽ rất quan trọng cho những thỏa thuận song phương sau này. Với các chính sách thúc đẩy các quy trình sản xuất thân thiện với môi trường thông qua hoạt động giảm thuế, phí, hay thành lập thị trường carbon bắt buộc và sẽ đi vào hoạt động vào năm 2028, nhu cầu về giảm phát thải và trao đổi tín chỉ carbon tại Việt Nam sẽ tăng hơn bao giờ hết nhằm bù đắp lại lượng phát thải các DN đã thải ra môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất và cung ứng dịch vụ. Ông có khuyến nghị gì trong việc xây dựng thị trường tín chỉ carbon để có thể mang lại hiệu quả cao khi thị trường này đi vào vận hành? Vận hành thị trường carbon là một quá trình phức tạp, có liên quan tới cả yếu tố về tài chính và kỹ thuật. Vì vậy, từ giờ đến khi thị trường chung của chúng ta vận hành chính thức, có thể cân nhắc đến việc triển khai thí điểm thị trường carbon ở một số ngành phát thải nhiều khí nhà kính như điện, công nghiệp hoặc vận hành thí điểm ở một số địa phương như Hà Nội hay TPHCM trước. Ngoài ra, việc xây dựng thị trường tín chỉ carbon cần phải nghiên cứu việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và tăng cường tính nhất quán giữa các thị trường, chỉ có như vậy thì tín chỉ của chúng ta mới được chấp nhận và giao dịch trên những thị trường quốc tế và ngược lại. Điều này sẽ góp phần giúp cho quá trình giao dịch từ thị trường này sang thị trường khác được dễ dàng, tránh cho các bên liên quan phải nghiên cứu nhiều thị trường khác nhau, làm gia tăng chi phí và giảm tính hiệu quả của quá trình trao đổi. Ngoài ra, để thị trường carbon vận hành được minh bạch và hiệu quả, việc các bộ, ban ngành phối hợp chặt chẽ với nhau là rất cần thiết. Việc ban hành các quy định và hướng dẫn về vận hành thị trường cần đồng nhất với quy trình thu hút và cấp phép đầu tư cho các dự án tạo tín chỉ carbon và đồng nhất với những quy định, hướng dẫn kỹ thuật về kiểm kê phát thải khí nhà kính cũng như quy trình, phương thức xác định hạn ngạch phát thải khí nhà kính phù hợp. VinaCapital vừa thành lập Quỹ đầu tư tác động VinaCarbon. Đây là một loại hình đầu tư rất mới tại Việt Nam. Xin ông chia sẻ đôi nét về cách thức vận hành của quỹ cũng như những kỳ vọng của VinaCapital khi thành lập quỹ này? Quỹ VinaCarbon được thành lập vào đầu năm 2023 với mục tiêu ban đầu là đầu tư vào đa dạng các dự án nhằm giảm hoặc loại bỏ khí nhà kính và qua đó xây dựng một ngân hàng tín chỉ carbon chất lượng cao, đồng thời mang lại những tác động tích cực cho cộng đồng, môi trường và xã hội. Là một trong những Tập đoàn đầu tư hàng đầu ở Việt Nam, chúng tôi sẵn sàng đảm nhận vị trí tiên phong để phát triển thị trường và chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình này để xây dựng một thị trường carbon thành công cho Việt Nam. Mặt khác, các quốc gia và khu vực như Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ đều sắp áp dụng những cơ chế áp thuế carbon cho hàng nhập khẩu, nên việc xây dựng và cung cấp những “giấy thông hành” tín chỉ carbon để giúp các nhà xuất khẩu hàng hóa của chúng ta đi vào các thị trường khó tính này là hết sức cần thiết và cấp bách. Về lâu về dài, việc càng nhiều các tổ chức, đơn vị tham gia vào thị trường carbon sẽ thôi thúc các DN, các cơ sở sản xuất kinh doanh đầu tư về công nghệ, hoặc đưa ra các sáng kiến thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng. Xin cảm ơn ông! |