Hiện nay, bệnh tay - chân - miệng vẫn còn xảy ra nhiều, tập trung ở các huyện: Ðầm Dơi, Cái Nước và U Minh. Theo nhận định của ngành y tế, trong thời gian tới, dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp, nên công tác chủ động phòng, chống dịch tại hộ gia đình là rất cần thiết.Hiện nay, bệnh tay - chân - miệng vẫn còn xảy ra nhiều, tập trung ở các huyện: Ðầm Dơi, Cái Nước và U Minh. Theo nhận định của ngành y tế, trong thời gian tới, dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp, nên công tác chủ động phòng, chống dịch tại hộ gia đình là rất cần thiết. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, đến ngày 20/6, toàn tỉnh ghi nhận 275 trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng. Riêng huyện Ðầm Dơi đã ghi nhận 87 trường hợp mắc. Ðặc biệt, bệnh nhân nhập viện điều trị tăng trong vài tuần trở lại đây. Chính vì vậy, bệnh viện đã chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí trực sẵn sàng tiếp nhận khám, cách ly và điều trị cho bệnh nhân.
Bác sĩ CKII Dương Quốc Thống, Phó Giám đốc Bệnh viện Ða khoa khu vực Ðầm Dơi, cho biết: “Ðến thời điểm này khả năng tiếp nhận và điều trị bệnh tay - chân - miệng của đôi ngũ y, bác sĩ tại bệnh viện khá tốt. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện chưa chuyển lên tuyến trên ca nào. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng đã bố trí bàn khám phân loại, khi phát hiện bệnh sẽ cách ly điều trị kịp thời. Trong phương án phòng, chống dịch chung, nếu như bệnh tay - chân - miệng xảy ra hàng loạt thì chúng tôi sẽ huy động lực lượng bác sĩ ở các khoa khác mà đã được tập huấn kiến thức, để đảm bảo cho công tác điều trị bệnh tay - chân - miệng được tốt hơn”. Ðiều đáng quan tâm là công tác phòng, chống dịch bệnh tại hộ gia đình còn hạn chế, chưa được thực hiện thường xuyên. Một phần do tâm lý chủ quan và chưa thật sự hiểu biết đầy đủ về bệnh nên số ca mắc bệnh tay - chân - miệng vẫn còn xảy ra nhiều. Ngoài ra, bệnh có diễn biến khá nhanh, nên khi trẻ được đưa đến các cơ sở y tế thường có biểu hiện nặng. Chị Võ Thị Phí, xã Tân Dân, huyện Ðầm Dơi, cho biết:“Ban đêm cháu bị nóng, run, ho và ói, nên tôi mới đưa cháu vô bệnh viện, bác sĩ khám và cho cháu nhập viện”. Chị Dương Quỳnh Như, xã Thanh Tùng, huyện Ðầm Dơi, cho biết: “Ban đầu cháu nổi mụn nước ở chân, lòng bàn tay và cháu bị sốt. 2 ngày sau tôi mới đưa cháu đi khám, bác sĩ cho biết cháu bị bệnh tay - chân - miệng và cho nhập viện, điều trị đến nay được 6 ngày, giờ cháu đã khoẻ”. Tuy tình hình bệnh tay - chân - miệng có giảm so với cùng kỳ năm 2015, nhưng số ca mắc vẫn xảy ra rải rác ở các xã, đối tượng mắc bệnh nhiều nhất là trẻ dưới 5 tuổi và chủ yếu nơi tập trung dân cư, chiếm trên 90%. Thời gian gần đây, bệnh tay - chân - miệng lưu hành quanh năm, do đó, ý thức chủ động phòng, chống của mỗi người dân là rất quan trọng. Bác sĩ CKI Trần Bé Ðoan, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ðầm Dơi, nói: “Chúng tôi khuyên bà con hãy thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh tay - chân - miệng như: Thường xuyên vệ sinh cá nhân, rửa tay trẻ và người trực tiếp giữ bằng xà phòng. Vệ sinh ăn uống, thức ăn cho trẻ phải đảm bảo dinh dưỡng, ăn chín, uống chín. Khi phát hiện trẻ có các biểu hiện như: sốt, đau họng, loét miệng hoặc có những mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, ở mông, thì phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để cách ly và điều trị kịp thời. Ðặc biệt là đối với các nhà trẻ, trường mẫu giáo và trong cộng đồng”. Bệnh tay - chân - miệng là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin dự phòng. Do đó, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng, chống theo khuyến cáo của ngành y tế, nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh, tránh lan rộng trong cộng đồng./. Bài và ảnh: Minh Khang |