Một bệnh nhân đang điều trị bệnh xương khớp tại Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng tỉnh Bà H. (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) đi nuôi chồng bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh do tai biến nhưng sau đó, bà cũng trở thành bệnh nhân. “Tôi năm nay gần 50 tuổi, đang nuôi chồng bị bệnh thì thấy trong người cũng thường đau lưng. Tiện đây, tôi xin bác sĩ cho làm các xét nghiệm, kết quả tôi bị thoát vị đĩa đệm”, bà H. kể. Nhiều bệnh nhân là nữ giới khác cũng “sắp hàng” chờ điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu tại Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng và Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Theo bác sĩ Bạch Tuyết, triệu chứng thường gặp của bệnh xương khớp trong giai đoạn suy giảm sinh lý chính là đau nhức các khớp xương. Những cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội hơn khi thời tiết thay đổi, vận động bất ngờ, hay vào mùa lạnh… Nguyên nhân do tình trạng lão hóa của cơ thể khiến các khớp xương bị thoái hóa, hay gặp nhất là thoái hóa khớp gối khiến bệnh nhân đi lại khó khăn, khớp sưng, gây đau nhức, ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động và gần như phải điều trị suốt tuổi đời còn lại. Con số thống kê cho thấy gần 1/3 phụ nữ sau mãn kinh bị giảm mật độ xương và trong cả cuộc đời, họ sẽ mất khoảng 35% xương đặc và 50% xương xốp. Trong khi nam giới chỉ mất khoảng 20% xương đặc và 30% xương xốp khi cùng độ tuổi. Nếu bị gãy xương, việc điều trị trở nên khó khăn vì tốc độ phục hồi lúc này rất chậm, nguy hiểm nhất là gãy cổ xương đùi, gãy xương cột sống. Bình thường, khi đã vào tuổi trưởng thành thì tình trạng giảm mật độ xương đã bắt đầu xảy ra, tình trạng này diễn ra nhanh hơn rất nhiều trong thời kỳ tiền mãn kinh - mãn kinh, dưới tác động của suy giảm sinh lý. Nguyên nhân chính là do sự suy giảm chức năng của não bộ, tuyến yên và buồng trứng trong giai đoạn này dẫn đến rối loạn nội tiết, chính là sự suy giảm hormon estrogen khiến cho cơ thể khó hấp thụ canxi và tạo xương. Tình trạng này như một kẻ thù vô hình cứ âm thầm diễn tiến, gây hại cho khổ chủ mà chẳng ai hay biết. Do vậy, phụ nữ cần phải chủ động trong việc phòng ngừa bệnh xương khớp cũng như các bệnh khác khi bước vào giai đoạn suy giảm sinh lý. Nên duy trì lối sống lành mạnh, rèn luyện tinh thần, tập thể dục thể thao thường xuyên như đi bộ, bơi lội, tập aerobic... không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn làm tăng độ cứng chắc của xương, giúp tinh thần chị em sảng khoái hơn. Xương khớp cũng cần một chế độ dinh dưỡng hợp lý để cân bằng và đa dạng hóa việc thu nạp vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và các dưỡng chất khác. Bên cạnh đó phải tích cực thực hiện những biện pháp giảm cân đối với nhóm thừa cân. Một bác sĩ chuyên về vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho biết, cân nặng tỷ lệ thuận với bệnh xương khớp. Những người béo phì, có vòng eo to, mỡ bụng nhiều cũng gây sức ép lên đốt sống lưng gây đau hơn cho bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm, viêm xương khớp. Người gầy yếu bị viêm đa khớp dạng thấp thì nên chia nhỏ nhiều bữa ăn để hấp thu dưỡng chất tốt hơn. Chị em tuổi trung niên nên chọn chế độ ăn uống ít chất béo, ít cholesterol, giàu canxi (sữa, tôm, cua, ốc, phomat, mè đen…). Ăn nhiều thực phẩm giàu omega-3, isoflavones và phytosterols như cá, đậu nành vì các chất này có tác dụng tương tự như estrogen giúp cơ thể dễ hấp thu canxi. Một vấn đề cũng rất quan trọng là các chị em thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý liên quan. Khi có bệnh, cần tích cực điều trị bằng những phương pháp phù hợp bởi để càng lâu thì việc chữa trị càng khó khăn.
QUỲNH NHƯ |