Theo đánh giá của Tổng cục QLTT, đến thời điểm hiện tại, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu ở các siêu thị, cửa hàng, chợ tương đối đầy đủ. Một số doanh nghiệp như Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) cung cấp các sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang vải kháng giọt bắn và kháng khuẩn 3 lớp ra thị trường đáp ứng nhu cầu cho người dân trong bối cảnh bắt buộc phải mang khẩu trang ở các địa điểm công cộng.
Tuy nhiên, trên thị trường vẫn còn một số cá nhân, cơ sở vật tư y tế kinh doanh khẩu trang nhập lậu, nước rửa tay khô chưa được công bố sản phẩm.
Riêng trong ngày 16/3, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã kiểm tra, giám sát 44 vụ kinh doanh, sản xuất các vật tư y tế như khẩu trang, nước rửa tay khô... Điển hình, trong ngày 16/3, Cục QLTT Tiền Giang đã xử lý 1 vụ kinh doanh gel rửa tay sát khuẩn Anti Corona không thực hiện công bố sản phẩm. Tính từ ngày 31/01/2020 đến nay, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã xử lý 25 vụ việc với tổng số tiền xử phạt là hơn 85 triệu đồng.
Bên cạnh đó, trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, từ ngày 31/01 đến ngày 16/03/2020, Cục QLTT Bến Tre đã xử lý 8 cơ sở và tổ chức ký cam kết cho 994 điểm kinh doanh các mặt hàng trang thiết bị y tế với nội dung tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý giá, hàng nhập lậu, hàng giả, tem nhãn, bao bì giả và hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Trong thời gian tới, Tổng cục QLTT sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay khô, vật tư y tế./.
Tố Uyên