Chưa quyết liệt triển khai Tại Hội thảo Nâng cao hiệu quả công tác cổ phần hóa DNNN và vai trò của Kiểm toán Nhà nước, tổ chức hôm nay 24/11, PGS. TS. Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam (VAA) cho biết, có nhiều vướng mắc và khó khăn trong việc thực hiện CPH như việc phê duyệt phương án sử dụng đất, kiểm toán giá trị DN. Trong khi các quy định mới về CPH, thoái vốn mới được ban hành theo hướng ngày càng chặt chẽ hơn, khiến các DN phải thực hiện lại từ đầu hoặc một số nội dung, công đoạn trong quá trình CPH. Ông Thanh cũng khẳng định có nguyên nhân bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và DNNN chưa quyết liệt triển khai thực hiện, ảnh hưởng tới tiến độ CPH và thoái vốn. Cũng tại hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho rằng, thời gian qua, việc cơ cấu lại DNNN và thoái vốn nhà nước triển khai còn chậm, quá trình CPH còn có nhiều vấn đề tiêu cực, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước và có một số khó khăn, vướng mắc về thể chế chậm được giải quyết. Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản vô hình… còn nhiều bất cập, tồn tại, tình trạng quản lý sử dụng đất lỏng lẻo, sơ hở, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau CPH đã làm sai lệch mục tiêu tăng trưởng, năng lực phát triển của DN sau CPH, gây thất thoát, lãng phí tài sản, ngân sách nhà nước, DN không đạt mục tiêu phát triển sau CPH. Từ năm 2017 đến nay, KTNN đã thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN CPH giai đoạn 2016-2020 của 16 DN. “Kết quả là KTNN đã xác định giá trị thực tế vốn nhà nước theo phương pháp tài sản tăng 15.447,68 tỷ đồng”, ông Đoàn Xuân Tiên thông tin. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, quá trình CPH DNNN đã cho thấy nhiều sai phạm trong xử lý đất đai, gây thất thoát tài sản nhà nước. Trong nhiều trường hợp, đất đai là “miếng mồi ngon” để nhà đầu tư tích cực tham gia quá trình CPH. Chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất Nhấn mạnh tiến độ CPH chậm so với kế hoạch đặt ra, ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN cho biết, việc triển khai kế hoạch gặp nhiều khó khăn. Các DN thực hiện CPH quy mô lớn như VNPT, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Mobifone, Agribank... hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị DN. Tiến độ thoái vốn nhà nước tại DN chậm so với kế hoạch đề ra. Theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg, giai đoạn 2017-2020 phải hoàn thành thoái vốn 348 DN. Đến nay, đã thoái vốn nhà nước tại 92 DN, đạt 26,4% kế hoạch. Bên cạnh đó, tiến độ thoái vốn nhà nước tại DN chậm so với kế hoạch đề ra. Giai đoạn 2017-2020 phải hoàn thành thoái vốn 348 DN. Đến nay, đã thoái vốn nhà nước tại 92 DN, đạt 26,4% kế hoạch. Định hướng về cơ cấu lại CPH, thoái vốn DNNN, ông Long cho rằng: “Cần đổi mới cách thức thực hiện CPH, thoái vốn DNNN, nhất là các biện pháp liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu và giá trị truyền thống của DN CPH. Tiền thu được từ CPH tập trung và các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm”. Đề cập giải pháp chống thất thoát đất công, chuyên gia Vũ Đình Ánh cho rằng, cần tập trung xem xét các quy định về xử lý đất đai đối với các DN quản lý nhiều đất đai, quản lý đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao, đánh giá mức độ sử dụng so với nhu cầu và quỹ đất được giao cho DN để xem xét tính hiệu quả, đồng thời có biện pháp thu hồi lại phần đất đã giao cho DN nhưng không được sử dụng trước khi CPH, bổ sung các chế tài đối với việc DN làm thất thoát diện tích đất của Nhà nước giao trong quá trình sử dụng. |