【chuyên gia nhận định】NSW chưa thực sự phát huy được những tiện ích, hiệu quả như mong đợi

nsw chua thuc su phat huy duoc nhung tien ich hieu qua nhu mong doi

Có thể thấy hiệu quả mà Cơ chế một cửa mang lại là rất lớn, tuy nhiên quá trình tổ chức triển khai, vận hành thời gian qua vẫn còn bộc lộ nhiều mặt hạn chế, tồn tại khiến cơ chế này chưa thực sự phát huy được những tiện ích, hiệu quả như mong đợi, đòi hỏi sự tham gia tích cực hơn từ các bộ, ngành, các cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) cũng như các DN.

Nhằm thúc đẩy phát triển ASW, NSW và tạo thuận lợi thương mại, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đề xuất, kiến nghị:

Về cơ sở pháp lý và cải cách thủ tục hành chính: Hiện nay, mỗi bộ, ngành, cơ quan đều ban hành những quy định riêng về biểu mẫu hồ sơ, chứng từ mặc dù có rất nhiều thông tin giống hoặc tương tự nhau. Do đó, cần xem xét xây dựng một bộ mẫu chứng từ điện tử hợp nhất, tạo thuận lợi cho người làm thủ tục; đồng thời có cơ chế lưu trữ, tận dụng tối đa các chứng từ điện tử đã sử dụng (sử dụng lại các thông tin, chứng từ, quyết định hành chính đã được lưu trữ thay vì yêu cầu DN phải xuất trình mỗi lần làm thủ tục). Song song đó cần xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ cho việc sử dụng, trao đổi chứng từ điện tử, hồ sơ điện tử đối với các thủ tục thực hiện qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý phục vụ cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành; áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK; đơn giản hóa về thủ tục, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa; tạo thuận lợi thương mại thông qua áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến như quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan; không kiểm tra đối với những sản phẩm hàng hóa có hàm lượng công nghệ cao, đã đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến như EU, Mỹ, Nhật Bản mà Việt Nam không có thiết bị, phương tiện để kiểm tra. Triển khai khai báo C/O trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, áp dụng C/O điện tử trong cộng đồng ASEAN…

Về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin: Để kết nối cổng thông tin một cửa quốc gia về mặt kỹ thuật đòi hỏi sự đồng bộ về hệ thống CNTT giữa các cơ quan liên quan. Tuy nhiên, thực hế hiện nay hạ tầng CNTT của một số cơ quan, bộ ngành chưa hoàn thiện để đảm bảo để phục vụ kết nối thông suốt, ổn định. Thực tế đã có nhiều trường hợp do mạng kết nối bị nghẽn, bị lỗi nên DN phải chờ đợi (1-2 ngày) để cập nhật thông tin, hoàn thiện các thủ tục; việc kết nối chưa đồng bộ khiến DN mất nhiều thời gian khi giải quyết thủ tục liên quan đến nhiều bộ, ngành khác nhau. Do đó, cần hoàn thiện đầy đủ các điều kiện về hạ tầng công nghệ: kết nối, trao đổi thông tin, chứng từ, dữ liệu giữa các bộ ngành; tích hợp và kết nối liên thông cổng thông tin một cửa quốc gia với các hệ thống thanh toán điện tử; triển khai đầy đủ các tính năng về an ninh, an toàn, dự phòng để đảm bảo các giao dịch trực tuyến được thực hiện thông suốt 24/7…