Phát biểu tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ngày 26/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp thực hiện toàn diện, có hiệu quả các nhiệm vụ theo Quy chế phối hợp công tác, cả những công việc thường xuyên và nhiệm vụ đột xuất, phát sinh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng ghi nhận các nội dung phối hợp được triển khai chặt chẽ, toàn diện, hiệu quả, thiết thực, đi vào những nội dung cụ thể để giải quyết các vấn đề về nhà ở cho người lao động, các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao, các hoạt động chăm lo, nâng cao đời sống tinh thần và sức khỏe người lao động theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thủ tướng nhấn mạnh: Sự phối hợp ngày càng khăng khít, chất lượng, thực chất, tích cực, chủ động, hiệu quả giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đóng góp tích cực vào thành công chung của cả nước thời gian qua và góp phần giúp mỗi cơ quan thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Định hướng phối hợp công tác thời gian tới, Thủ tướng đánh giá cơ bản thống nhất với báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Văn phòng Chính phủ và phát biểu của các đại biểu. Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung gồm 1 nhiệm vụ trung tâm, 3 quan tâm, 5 đẩy mạnh. 3 quan tâm gồm: Thứ nhất, quan tâm hơn nữa đến việc lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của giai cấp công nhân thông qua khảo sát, đối thoại, tiếp xúc cử tri…; phản ánh kịp thời với Đảng, chính quyền, doanh nghiệp để có biện pháp tháo gỡ, giải quyết. Thứ hai,quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người lao động. Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; chăm lo các đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Thủ tướng yêu cầu đặc biệt quan tâm vấn đề nhà ở cho người lao động. "Nhà ở là một trong những vấn đề lớn nhất của con người, "an cư mới lạc nghiệp", nhà ở có thể mua, thuê hoặc thuê mua. Vấn đề về nhà ở cho người lao động phải có bước đột phá trong thời gian tới"- Thủ tướng nêu rõ. Thứ ba, quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động theo Hiến pháp, pháp luật và theo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động và tổ chức công đoàn; kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tổ chức thực hiện không đúng; lợi dụng chính sách để chống phá.
Về 5 đẩy mạnh: Trước hết,cần đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách về lao động và tạo thuận lợi cho người lao động, công đoàn. Thứ hai,đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đoàn viên, người lao động. Trong đó, tuyên truyền để người sử dụng lao động, cán bộ, đoàn viên và người lao động nhận diện các hành vi lợi dụng việc thành lập và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để xâm phạm an ninh quốc gia, gây mất trật tự an toàn xã hội. Thứ ba, đẩy mạnh tổ chức thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua với tinh thần "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất", như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Thứ tư,đẩy mạnh xây dựng và phát triển giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, trong đó có nội dung nâng cao năng suất lao động như sáng kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Thứ năm, đẩy mạnh thực hiện tốt vai trò của Công đoàn, là cầu nối quan trọng của Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam. Cũng tại cuộc làm việc, Thủ tướng cho ý kiến về 12 đề xuất, kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan xem xét, giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Trong đó, với đề nghị sớm thực hiện nội dung Nghị quyết số 101/2019/QH14 về giảm giờ làm, Thủ tướng giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu về chính sách giảm giờ làm đối với người lao động trong quá trình tham mưu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động; việc này phải phù hợp với tình hình của Việt Nam, đồng thời với thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất lao động. Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nội dung về phát triển cơ sở khám chữa bệnh nơi tập trung đông công nhân, người lao động, việc khám chữa bệnh đối với công nhân lao động có thu nhập thấp, thực hiện tốt Chỉ thị của Ban Bí thư về nội dung này. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm thực tiễn, đề xuất phương án, giải pháp tạo điều kiện ổn định cuộc sống cho đối tượng người lao động là phụ nữ di cư. |