Cuộc thi Dự án khởi nghiệp Xanh lần 9 - 2023 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (Trung tâm BSA) phối hợp cùng Công ty Cổ phần Vinamit, Quỹ Hỗ trợ phát triển Thanh niên, Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau tổ chức, cùng sự tham gia, đồng hành của nhiều doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao… Cuộc thi được phát động vào tháng 5/2023, đến cuối tháng 7, có 178 cá nhân và tập thể gửi dự án tham gia, đến từ 36 tỉnh, thành. Kết quả đã chọn ra 108 dự án vào vòng bán kết của 33 tỉnh, thành. Qua 3 vòng bán kết ở 3 khu vực là Bến Tre, TPHCM, Hà Nội, cuộc thi đã tìm ra 37 dự án vào chung kết. Trong đó, tỉnh Bắc Kạn là địa phương có số dự án vào chung kết nhiều nhất, với 4 dự án; Đồng Tháp, Quảng Nam mỗi địa phương 3 dự án; TPHCM, Trà Vinh, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Nghệ An, Thanh Hóa mỗi địa phương 2 dự án, các tỉnh còn lại 1 dự án. Với vai trò thành viên Ban giám khảo, bà Nguyễn Cẩm Chi, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển thanh niên (FYE) đánh giá, so với năm trước, số lượng dự án vào chung kết năm nay nhiều hơn. Bản chất của các dự án cũng có nhiều tiến bộ. Các dự án khởi nghiệp có áp dụng công nghệ, quan tâm nhiều hơn đến phát triển bền vững.
“Chúng tôi kỳ vọng rằng, các bạn không chỉ là những doanh nông có kiến thức, yêu sản phẩm của mình mà còn là những doanh nông có tri thức, có thể phát triển, mang sản phẩm của mình ra quốc tế” – bà Chi nhấn mạnh. Tham gia tranh tài tại vòng chung kết, anh Lê Minh Vương, Giám đốc Dự án Nông nghiệp tuần hoàn ứng dụng GC Plus cho biết, dự án tái sự dụng toàn bộ phế phẩm, phụ phẩm trong nông nghiệp từ phân gia súc, gia cầm, những loại trái cây hư bỏ để tái sử dụng làm phân bón, chế phẩm sinh học dạng nước, cám vi sinh để phục vụ ngược trở lại cho trang trại và có thể cung cấp cho bà con nông dân với giá thành rẻ và chất lượng tốt. Anh Vương mong muốn qua cuộc thi sẽ tìm kiếm được nhà đầu tư quan tâm, đầu tư để có nguồn lực phát triển dự án thành công ty phân bón chuyên nghiệp tại Ninh Thuận. Từ đó giúp tái sử dụng, tận dụng toàn bộ nguồn phế phụ phẩm tại Ninh Thuận nói riêng và khu vực miền Trung nói chung để tạo nguồn phân xanh, sạch, an toàn, có giá thành tốt. Tiến tới thay đổi tình trạng lạm dụng phân bón hóa học trong canh tác.
Chia sẻ tại buổi chung kết cuộc thi, Bà Vũ Kim Anh, Phó giám đốc Trung tâm BSA, phụ trách Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh cho biết, sau 10 năm tổ chức, Cuộc thi Khởi nghiệp Xanh đã xây dựng được một lực lượng doanh nông trẻ, giỏi về nhiều mặt ở các địa phương từ Bắc tới Nam. Năm nay, cơ cấu giải thưởng cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh có tổng giá trị các giải thưởng lên đến 1,229 tỷ đồng, trong đó 436 triệu đồng tiền mặt, phân bổ cho 9 giải chính, 30 giải tư vấn hỗ trợ các hoạt động khác. |