Chủng loại tăng gấp 3
Nhằm hạn chế phát thải các khí độc hại gây ô nhiễm không khí, đặc biệt là tại các đô thị lớn, góp phần bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg về việc quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.
Theo đó, các xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 từ 1-1-2017 và mức 5 từ năm 2022. Các loại xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 3 từ ngày 1-1-2017.
Như vậy, theo Quyết định 49, từ ngày 1-1-2017 tiêu chuẩn mức khí thải cho các loại xe ô tô, xe mô tô hai bánh có lắp động cơ nhiệt sẽ bao gồm: Mức 2 (đối với ô tô, xe máy đã được đưa vào sử dụng trước 1-1-2017), mức 3 (cho xe máy đưa vào sử dụng sau 1-1-2017) và mức 4 (cho xe ô tô đưa vào sử dụng sau 1-1-2017); từ ngày 1-1-2022 tiêu chuẩn mức khí thải cho các loại xe ô tô, xe mô tô hai bánh có lắp động cơ nhiệt sẽ bao gồm mức 2, mức 3 và mức 5.
Thực hiện Quyết định số 49, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2015/BKHCN về xăng, nhiên liệu diesel và nhiên liệu sinh học ban hành kèm theo Thông tư số 22/2015/BKHCN-TT.
Theo Quy chuẩn này, trên thị trường có thể tồn tại 9 loại xăng không chì: RON90-II; RON92-II; RON95-II; RON92-III; RON95-III; RON98-III; RON92-IV; RON95-IV; RON98-IV (trước đây chỉ có 3 loại). Tương tự như vậy, chủng loại sản phẩm đối với xăng E5 và E10 và diesel cũng tăng lên gấp 3 lần.
Như vậy, sau ngày 1-1-2017 trên thị trường số chủng loại xăng dầu có thể sẽ tăng gấp 3 lần hiện nay.
Khó cho cả quản lý, doanh nghiệp, người tiêu dùng
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan về vấn đề tăng chủng loại xăng dầu, một số chuyên gia kinh tế nhận định là việc tốt. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc đa dạng hóa sản phẩm xăng dầu là bình thường và tốt cho người tiêu dùng, đặc biệt là những sản phẩm xăng dầu sản xuất từ ngô, củ quả… theo hướng đảm bảo môi trường. Trên thế giới, các nước đã áp dụng nhiều, thậm chí Mỹ còn dùng tới xăng E30, trong khi Việt Nam mới chỉ có xăng E5.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng nhận định, càng nhiều chủng loại xăng dầu càng tốt vì mỗi loại sẽ phù hợp với một loại động cơ và Nhà nước cũng đang khuyến khích sử dụng nhiên liệu ít xả thải độc hại ra môi trường.
Song với nhiều chủng loại xăng dầu như vậy, cần phải tuyên truyền cho người tiêu dùng phân biệt được, ví dụ xăng E5 khác với E10 như thế nào. Bởi trên thực tế, ngay cả việc phân biệt giữa xăng RON 92 với RON 95, người tiêu dùng cũng đã khó phân biệt.
Tuy nhiên, ông Long cũng lo ngại: “Liệu mục tiêu này có đạt được không?” và dẫn chứng từ “mục tiêu” tiến tới sử dụng xăng sinh học là phổ biến của Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu nhưng đến nay chưa thực hiện được.
“Mục tiêu bán xăng E5 trên toàn quốc không đạt, giá thành sản xuất cao hơn xăng RON. Tôi cho rằng, ý tưởng đề ra hay nhưng thực thi không được bởi chúng ta không nắm bắt được khả năng có thực hiện được không, chỉ đề ra mục tiêu mà không có biện pháp, lộ trình thực thi theo đúng mục tiêu”, ông Long nói.
Về phía Bộ Công Thương, Bộ này cho rằng, việc có nhiều chủng loại xăng dầu sẽ gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước khi thực hiện quản lý về thuế, phí, chống gian lận thương mại; gây khó khăn cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, các thương nhân phân phối xăng dầu do phải đầu tư thêm về hạ tầng hệ thống phân phối, hệ thống quản lý nội bộ; gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn loại xăng dầu phù hợp.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương có nhiệm vụ trong việc phối hợp với các bộ ngành bảo đảm sản xuất, nhập khẩu và cung ứng xăng dầu có chất lượng theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính và một số đầu mối về sản xuất và kinh doanh xăng dầu như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, các hiệp hội và các đơn vị liên quan đánh giá việc thực hiện Quyết định 49.
Bộ Công Thương đã tổng hợp các ý kiến của các Bộ, ngành theo các nội dung: Về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới; về tình hình sản xuất và kinh doanh xăng dầu; về hiện trạng các loại xe ôtô, xe mô tô hai bánh có lắp động cơ nhiệt đang lưu thông và sản xuất mới; về ảnh hưởng đến Dự án hỗ trợ Chương trình biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Được biết, Bộ Công Thương đã chính thức đề xuất lên Thủ tướng các giải pháp để đảm bảo lợi ích hài hoà giữa các doanh nghiêp xăng dầu, doanh nghiệp sản xuất lắp ráp, nhập khẩu ô tô, xe máy. Tuy nhiên, hướng đề xuất như thế nào chưa được bộ này tiết lộ.