Tăng trưởng kinh tế khá nhưng chưa đột phá Báo cáo tổng kết sau 10 năm thực hiện Kết luận số 60-KL/TW ngày 27/11/2009 của Bộ Chính trị nêu rõ, trong giai đoạn 2010-2020 tổng vốn đầu tư toàn xã hội của TP. Buôn Ma Thuột đạt hơn 96.000 tỷ đồng. Tăng trưởng kinh tế khá, đạt mức bình quân đạt 9,38%, trong đó: tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng đạt 9,98%; dịch vụ đạt 10,55%; nông - lâm - thủy sản đạt 2,99%. Quy mô nền kinh tế năm 2020 đạt hơn 22.100 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế của thành phố chuyển dịch theo hướng dịch vụ, công nghiệp - xây dựng. Tổng thu ngân sách nhà nước của thành phố giai đoạn 2010-2020 là 14.651 tỷ đồng, chiếm 28,7% tổng thu của tỉnh; năm 2020 trên 3.400 tỷ đồng, trong đó phân cấp thành phố thu là 2.444 tỷ đồng, tăng 3,31 lần so với năm 2009. Thu nhập của người dân ngày càng nâng cao, GRDP bình quân đầu người tính đến năm 2020 đạt 83 triệu đồng/năm, cao gấp 1,3 lần mức bình quân cả nước và tăng 3,17 lần so với năm 2009; tỷ lệ hộ nghèo giảm 3.181 hộ, còn 490 hộ nghèo chiếm 0,56% tổng số hộ dân; 8/8 xã đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới… Cũng trong giai đoạn này, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột có 57 dự án phát triển đô thị được phê duyệt với tổng diện tích hơn 608 ha, đến nay có 34 dự án vốn ngân sách và 04 dự án vốn của doanh nghiệp đã và đang triển khai với diện tích 427 ha. Các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, du lịch, giáo dục, y tế… đều có bước phát triển vượt bậc, không chỉ tạo cho Buôn Ma Thuột ngày càng khang trang, hiện đại, bước đầu thể hiện được vai trò đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên tạo sự lan tỏa, tác động đến sự phát triển của các tỉnh trong khu vực... Thành phố đạt được một số mục tiêu đề ra và có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, từng bước khẳng định vai trò đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên với mức tăng trưởng tương đối nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu ngân sách tăng khá dẫn đến sự gia tăng của quy mô nền kinh tế.
Tuy nhiên, tại các cuộc hội thảo gần đây, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, sự phát triển hiện nay của TP. Buôn Ma Thuột còn đang thiếu sự kết nối trong phát triển giữa các ngành theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao; kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ; huy động nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của TP. Buôn Ma Thuột chưa đạt yêu cầu đề ra. Do đó, việc bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Buôn Ma Thuột là hoàn toàn phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Cần cơ chế, nguồn lực để phát huy lợi thế Ông Y Pun Niê Ping - Trưởng buôn Akô Dhông xã E Tam, TP.Buôn Ma Thuột cho biết, người dân trong buôn rất phấn khởi mong muốn xây dựng TP. Buôn Ma Thuột sớm trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên với tiêu chí đô thị xanh, sinh thái, bản sắc và thông minh gắn kết chặt chẽ giữa đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới. Tại các buổi tiếp xúc cử tri trước thềm kỳ họp Quốc hội, hầu hết người dân TP. Buôn Ma Thuột đều bày tỏ mong muốn, các cấp, các ngành của thành phố cần khẩn trương xác định rõ nguồn lực cho từng chương trình, dự án, từng cơ chế, chính sách (ngân sách nhà nước, xã hội hóa, huy động các thành phần kinh tế tham gia bằng nhiều hình thức phù hợp, vốn trong nước, vốn nước ngoài...) và đăng ký cụ thể vào kế hoạch hằng năm, giai đoạn 5 năm, 10 năm.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - nguyên Bí thư Thành ủy TP. Buôn Ma Thuột, cho rằng sau khi được Quốc hội thông qua nghị quyết, chính sách ưu đãi này thành phố sẽ định hình về không gian phát triển cho địa phương, thu hút thêm doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh. TP. Buôn Ma Thuột cần phát huy được lợi thế là đô thị sinh thái, phát huy bản sắc gắn với giá trị văn hoá các dân tộc Tây Nguyên để thu hút nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững. Các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, sau khi nghị quyết được Quốc hội thông qua, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu một số cơ chế đặc thù phù hợp, tạo động lực phát triển vùng Tây Nguyên, trong đó, lưu ý đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng sạch; phát triển chuỗi giá trị sản phẩm đối với một số cây trồng đặc thù; ưu đãi đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng xanh, sinh thái, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là y tế, giáo dục.
|