游客发表
发帖时间:2025-01-10 07:56:31
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh tham gia thảo luận tại hội trường.
Luật Đấu giá tài sản ban hành ngày 17/11/2016 và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2017.
Từ thực tế triển khai thực hiện Luật Đấu giá tài sản những năm qua và yêu cầu đấu giá tài sản những năm tới, theo đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Luật này cần được nghiên cứu bổ sung, sửa đổi.
Cho rằng vấn đề then chốt là xác định giá khởi điểm để đấu giá, theo đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Luật Đấu giá tài sản cần bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm và chế tài đối với vi phạm trong xác định giá khởi điểm của các tổ chức và cá nhân có liên quan trong mối quan hệ chặt chẽ với các quy định pháp luật khác trong lĩnh vực quản lý giá, quản lý đất đai, quản lý tài sản công, quản lý tài sản đảm bảo và tài sản tịch thu, thi hành án và trách nhiệm dân sự.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh cho biết, tuy đã được quy định trong Luật Đấu giá tài sản 2016 song hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá lại thuộc loại hiếm hoi so với hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá hay đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp. Theo đó, hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá vốn là thông lệ quốc tế tốt đã chứng minh ưu thế vượt trội so với cả hai hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trong việc đảm bảo nguyên tắc đấu giá công khai, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh. Riêng hình thức đấu giá trực tuyến vẫn còn áp dụng khá hạn chế dù hình thức này hội tụ được cả các điều kiện cần và đủ như cải cách hành chính, chính phủ điện tử, công nghệ 4.0.
“Căn cứ vào những sai phạm phổ biến đã và đang diễn ra trong đấu giá tài sản thì Luật đấu giá chỉ nên duy trì hai hình thức là đấu giá trực tiếp bằng lời nói và đấu giá trực tuyến. Đồng thời, cần quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của các bên liên quan trong trường hợp gián đoạn phiên đấu giá hay thậm chí hủy kết quả đấu giá do những nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia đấu giá, người có tài sản để đấu giá, người tổ chức đấu giá cũng như của Nhà nước”, đại biểu Nguyễn Duy Thanh góp ý.
Đồng thời, đại biểu Nguyễn Duy Thanh cũng đề nghị cần sửa đổi, bổ sung quy định để hạn chế việc bỏ cọc. Khoản 5, Điều 39, Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định tiền đặt trước chính là tiền đặt cọc sau khi trúng đấu giá. Tiền đặt trước được quy định là 5-20% mức giá khởi điểm tài sản đấu giá trong khi nhiều trường hợp giá khởi điểm lại quá thấp nên người trúng đấu giá không phải cân nhắc quá nhiều khi bỏ cọc.
Từ phân tích trên, đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề xuất: “Nhằm hạn chế tình trạng bỏ cọc, hạn chế người đấu giá thiếu thận trọng khi đấu giá, đặc biệt là để ngăn ngừa tình trạng phá giá vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, thậm chí là thao túng, gây rối thì nên tách biệt tiền đặt trước với tiền đặt cọc. Với dự thảo luật mới, theo tôi, nên quy định tiền đặt cọc có thể là 20-30% giá trúng đấu giá và phải nộp ngay sau khi công bố kết quả trúng đấu giá. Nếu người trúng đấu giá không nộp đủ tiền cọc thì bị loại và cuộc đấu giá sẽ tiếp tục. Giả sử tiền cọc phải nộp ngay lên tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng thay vì vài tỷ đồng hay vài chục triệu đồng thì người trúng đấu giá chắc chắn sẽ thận trọng hơn rất nhiều lần khi bỏ giá”.
Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm quốc tế, đại biểu Nguyễn Duy Thanh cho rằng Luật Đấu giá tài sản có thể tham khảo bổ sung quy định cụ thể về xử lý hình sự đối với những trường hợp bỏ cọc không thực hiện kết quả trúng đấu giá có dấu hiệu thao túng, gây rối trật tư, ảnh hưởng xấu đến an ninh kinh tế. Theo đó, Bộ luật Hình sự cần bổ sung thêm những hành vi vi phạm tương ứng trong đấu giá tài sản để có hình phạt phù hợp và để tránh tình trạng thổi giá, phá giá gậy hệ lụy lớn như vừa qua./.
T. Bình (lược ghi)
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接