Hội thảo được tổ chức thường niên tại nhiều trường đại học hàng đầu thế giới và thu hút sự tham gia của hàng trăm học giả đến từ Anh, Đức, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Thái Lan, Tây Ban Nha, Trung Quốc và Việt Nam.
Với chủ đề “Những thay đổi trong Khoa học của sự học và Công nghệ”, Hội thảo đã thu hút 200 nhà khoa học trong và ngoài nước gửi bài tham dự. Ban tổ chức đã lựa chọn, tổ chức 12 phiên báo cáo trình bày miệng và 44 báo cáo dạng poster trưng bày tại Hội thảo.
Các báo cáo tập trung thảo luận nhiều vấn đề cấp bách của khoa học giáo dục, khoa học tâm lý, khoa học nhận thức như: Khoa học của sự học và Lý thuyết học tập hiện đại; Phát triển ngôn ngữ và rối loạn ngôn ngữ; Phát triển kỹ năng đọc và rối loạn kỹ năng đọc; Sử dụng công nghệ trong hoạt động học tập: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (machine learning) trong giáo dục; Công cụ hỗ trợ học tập và nền tảng giáo dục trực tuyến; Giáo dục STEM/STEAM ở các cấp học...
Từ những thảo luận đa chiều về quá trình nhận thức của người học, Hội thảo đưa ra những cách tiếp cận toàn diện và sâu sắc về khoa học của quá trình dạy học, từ đó đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả dạy học đặc biệt là những cách thức dạy học tiên tiến.
Qua bài trình bày tại Hội thảo, GS Kenneth Pugh (Đại học Yale và Connecticut, Mỹ) nhận định, tiếp cận liên ngành giúp xây dựng nền tảng mạnh mẽ để giải quyết các thách thức trong giáo dục, từ phát triển cá nhân đến giải quyết các vấn đề xã hội rộng lớn hơn... Đặc biệt, các nghiên cứu gần đây từ phòng thí nghiệm Haskin của Đại học Yale về tác động của đại dịch COVID-19 đến kỹ năng đọc và cách thiết kế các môi trường học tập mới có thể giải quyết những tổn thất về kỹ năng đọc.