(BDO) Kỷ niệm ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ 8 (3.9.2010- 3.9.2017), Hội Văn học Nghệ thuật Bình Dương đã tổ chức đêm nhạc thật ấn tượng. Đây cũng là đêm giao lưu, gặp gỡ với nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - một nhạc sĩ nổi tiếng của Bình Dương và các nhạc sĩ đến từ tỉnh bạn Tây Ninh…
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ (phải) nhận hoa chúc mừng trong đêm nhạc mừng ngày Âm nhạc Việt Nam 3-9
Theo nhạc sĩ Võ Đông Điền, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cùng với các loại hình nghệ thuật khác, âm nhạc đã góp phần to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Nhiều nhạc sĩ đã anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường ác liệt. Các anh là minh chứng rõ nét cho sự hy sinh anh dũng của những người nghệ sĩ - chiến sĩ trong công cuộc đấu tranh giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng đã thực sự trưởng thành, phát triển không ngừng về số lượng và phương thức hoạt động. Tiếp bước khúc quân hành của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa với quyết tâm đâu có giặc là ta cứ đi, từ trong khói lửa chiến tranh, trên khắp các chiến trường bừng lên khí phách đấu tranh với tinh thần lấy “Tiếng hát át tiếng bom”. Trong những đêm không ngủ tại các đô thị miền Nam đã sục sôi phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe. Tiếng hát đã thắp lên ngọn lửa nhiệt tình cho lớp lớp thanh niên “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, tiếp sức cho hàng ngàn, hàng vạn trái tim khát khao độc lập, tự do… Kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cả đất nước cất cao khúc hát Như có Bác trong ngày đại thắng.
Với nhạc sĩ Bình Dương cũng có sự phát triển đáng kể. Từ những thế hệ nhạc sĩ đi trước trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ như nhạc sĩ Lê Trần với Tiến binh ca, Quốc dân tiến; nhạc sĩ Lư Nhất Vũ với Hàng em mang tới chiến hào, Phan Đình Giót miền Nam, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn… đội ngũ các nhạc sĩ sáng tác của Sông Bé – Bình Dương đã dần được hình thành qua các phong trào văn nghệ quần chúng trong những ngày đầu miền Nam hoàn toàn giải phóng. Có thể kể đến một số gương mặt tiêu biểu như: Giáp Văn Thạch, Nguyễn Bé Sáu, Phan Hữu Lý, Võ Đông Điền, Phạm Đắc Hiến, Lê Trung Hiếu, Đỗ Hữu Xuân, Nguyễn Văn Trạng, Mai Quảng, Nguyễn Thanh Bình…
Đặc biệt là sau khi tỉnh Bình Dương được tái lập, với sự ra đời Câu lạc bộ sáng tác ca khúc, Bình Dương đón nhiều nhạc sĩ từ các tỉnh thành bạn đến tham gia sáng tác như: Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước, Tp.HCM… Hàng trăm ca khúc mới đã được sáng tác với nhiều đề tài và thể loại phong phú đã được Đoàn Ca múa nhạc dân tộc, Đài PT-TH tỉnh và Hội VHNT Bình Dương dàn dựng, biểu diễn hoặc in ấn, phát hành dưới hình thức các tập ca khúc, các CD, VCD, DVD ca nhạc.
Nhạc sĩ Võ Đông Điền cho biết thêm: “Thời gian gần đây, thị trường âm nhạc Việt Nam có nhiều biến động, giá trị thật – giả lẫn lộn. Nhiều ca khúc thiếu tính nghệ thuật trong sáng tạo, thiếu tính văn học trong sử dụng ca từ đã gây phản cảm đối với những người yêu thích nghệ thuật chân chính. Tuy vậy, giới nhạc sĩ sáng tác ca khúc ở Bình Dương vẫn luôn đi đúng hướng, đều đặn có những ca khúc mới, vừa phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của địa phương, vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng yêu nhạc trong tỉnh”.
Ngày Âm nhạc VN được tổ chức hàng năm đã thực sự trở thành ngày hội để tôn vinh cho nền âm nhạc VN, động viên các văn nghệ sĩ phát huy các giá trị truyền thống và cách mạng của Âm nhạc VN. Đây cũng là nguồn cổ vũ to lớn để các nhạc sĩ phấn đấu có nhiều tác phẩm hay, tổ chức nhiều hoạt động âm nhạc có ý nghĩa, góp phần tạo nên đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, giáo dục thế hệ trẻ, cổ vũ, động viên toàn dân đoàn kết, phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Một điều rất vui mừng và trân trọng là nhạc sĩ Lư Nhất Vũ vẫn luôn đồng hành với thế hệ nhạc sĩ đàn em của ông. Ca khúc mới của ông là bài “Đôi ta” thơ Lê Giang- người bạn đời của ông và nhạc của Lư Nhất Vũ theo âm điệu dân ca rất mượt mà cũng được ra mắt trong đêm nhạc mừng Quốc Khánh 2-9, mừng ngày Âm nhạc Việt Nam 3-9.
Muôn đời, âm nhạc là tiếng lòng là những giai điệu đẹp ca ngợi cuộc sống này. Mong rằng, nhạc sĩ Bình Dương tiếp tục dâng hiến những ca khúc hay cho mọi người cùng thưởng thức…
Vào ngày này cách đây 57 năm (3-9-1960), Bác Hồ đã chỉ huy dàn nhạc hợp xướng và cùng với nhân dân hát bài ca “Kết đoàn” chào mừng Kỷ niệm 15 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đại hội Đảng lần thứ III tại vườn Bách thảo Hà Nội. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long đã kịp ghi lại khoảnh khắc lịch sử ấy. Bức ảnh “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn” đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật có ý nghĩa lịch sử to lớn, được các nhạc sĩ coi như một sự động viên khích lệ lớn lao... Năm 2010, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã đề nghị chọn ngày này làm ngày truyền thống cho ngành Âm nhạc Việt Nam. Ban Bí thư Trung ương đã đồng ý lấy ngày 3-9 hàng năm là Ngày Âm nhạc Việt Nam. Cũng từ đó, ngày này trở thành ngày truyền thống của các nhạc sĩ, ca sĩ- những chiến sĩ trên mặt trận văn hoá…