Đồng thời đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả. Đó là một trong những nội dung tại Thông tư 231/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư đối với các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015. Thông tư không áp dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kinh tế- xã hội của các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và các dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án thuỷ điện Sơn La. Kho bạc Nhà nước kiểm soát, thanh toán vốn đối với dự án do các bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý. Bộ Quốc phòng kiểm soát, thanh toán vốn đối với các dự án, công trình có tính chất bí mật nhà nước theo quy định tại Nghị định số 71/2005/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý đầu tư xây dựng công trình đặc thù. Thông tư cũng nêu rõ, không bố trí vốn trái phiếu Chính phủ cho các trường hợp sau: Phần tăng thêm khối lượng thực hiện của các dự án do điều chỉnh hạng mục làm tăng quy mô, tăng tổng mức đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 1790/QĐ-TTg ngày 29-11-2012 của Thủ tướng Chính phủ; Các hạng mục sử dụng vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác; Kinh phí thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế thuộc Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện và bệnh viện đa khoa khu vực liên huyện sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2008-2010 và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2009-2013” theo Quyết định số 930/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nguồn kinh phí giám sát, kiểm tra việc thực hiện Đề án số 47/2008/QĐ-TTg, Đề án số 930/QĐ-TTg và Đề án số 20/2008/QĐ-TTg của các Ban Chỉ đạo Đề án và các cơ quan liên quan cũng không được bố trí vốn từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Để huy động và quản lý các nguồn vốn huy động ngoài nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, Thông tư quy định: Ngoài nguồn vốn trái phiếu Chính phủ được giao, trên cơ sở các quy định hiện hành có liên quan, các bộ và UBND cấp tỉnh có trách nhiệm huy động và cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước (đối với dự án do Bộ quản lý), nguồn vốn ngân sách địa phương (đối với dự án do địa phương quản lý) và các nguồn vốn khác để bố trí bổ sung nhằm hoàn thành các dự án thuộc danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ nhưng chưa được bố trí đủ vốn. Việc phân bổ, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán các nguồn vốn nêu trên được thực hiện theo quy định hiện hành tương ứng với từng nguồn vốn. Việc quản lý nguồn vốn huy động đóng góp tự nguyện của Nhà tài trợ thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định tại Thông tư này. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-2-2013 và thay thế các Thông tư của Bộ Tài chính liên quan đến việc hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ. T.Th |