Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ yêu cầu, trước mắt, cần thực hiện 4 việc cấp bách, đó là: dọn dẹp vệ sinh môi trường, đặc biệt là các đường phố chính, các tuyến đường mà xe đại biểu đi qua, lấy lại cảnh quan tại các tuyến đường là ưu tiên số 1; thứ hai là ưu tiên dọn dẹp các bãi biển, đặc biệt là bãi biển Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn; thứ ba, dựng lại các công trình bảng hiệu che chắn, tấm pano, áp phích, các tấm phướn đã bị gió làm gãy đổ; thứ tư là dọn dẹp cây xanh bị gió làm trốc gốc, gãy cành.
Lực lượng dẹp dẹp chính là Công ty vệ sinh môi trường, huy động toàn thể mọi tầng lớp nhân dân dọn dẹp rác trôi, quét dọn lòng lề đường; lực lượng hỗ trợ thêm là cán bộ công chức, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, sinh viên, học sinh từ thành phố đến cấp xã phường, tổ dân phố. Giao cho các quận chủ động rà soát và tùy theo tình hình thực tế để triển khai. Việc dựng lại các công trình bảng hiệu bị đổ, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng quận phối hợp với các Ban Quản lý và các doanh nghiệp, nhanh chóng tháo gỡ những bảng hiệu, cờ, pano bị gió làm rách và thay thế bằng những biển hiệu mới.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh: “Cần phải hoàn tất mọi công việc trước sáng mai (6/11). Đây là lúc chúng ta thể hiện mình xứng đáng là địa phương được chọn tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Muốn làm được cần phải huy động, kêu gọi sự chung tay góp sức của nhân dân. Có nhân dân thì mới làm được, không có nhân dân thì không có cách nào làm kịp.”
Tại buổi làm việc, đại diện nhiều quận, doanh nghiệp Đà Nẵng cho rằng với tình hình thời tiết bất lợi như hiện tại, công việc khắc phục là rất khó khăn. Theo báo cáo, dự kiến khối lượng rác phải dọn dẹp lên đến hàng trăm tấn, nặng nhất là khu vực bãi biển Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Trong khi đó, tình hình thời tiết tại Đà Nẵng hiện tại vẫn đang mưa rất to, và dự báo mưa lớn sẽ kéo dài đến hết ngày 7/11, và gió sẽ còn mạnh lên từ chiều mai (6/11). Đặc biệt là các biển hiệu bị gãy đổ rất nhiều, muốn sửa chữa phải sử dụng máy hàn, tức là phải đấu nối điện, nhưng hiện mưa còn rất to cộng với gió biển lớn, vì vậy sẽ rất nguy hiểm. Tuy nhiên, đại diện các quận, huyện, Sở ngành, doanh nghiệp tham gia cuộc họp cũng đồng tình và quyết tâm sẽ nỗ lực hết sức để hoàn thành khối lượng công việc lớn trong chiều, đêm nay và rạng sáng mai.
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết, đây là cuộc họp cuối cùng của chính quyền Đà Nẵng trước khi bắt đầu các sự kiện của Tuần lễ Cấp cao APEC Việt Nam 2017. Đồng thời nhấn mạnh: “Chúng ta đã có thư kêu gọi nhân dân, nhân dân hưởng ứng nhiệt tình cùng chính quyền thì việc triển khai là của chúng ta, phải làm sao cho hiệu quả thực tế. Chúng ta đang ở giai đoạn rất khó, mưa nhiều, có gió mạnh, xác định phương án làm tối ưu nhất, tránh vừa làm vừa mưa gió giật mất. Đặc biệt là phải đảm bảo tuyệt đối an toàn. Tất cả các công trình đưa vào khai thác phục vụ APEC phải tuyệt đối an toàn. Sở Xây dựng rà soát lại các công trình tham gia APEC và có phương án thay đổi nếu xảy ra bất kỳ sự cố nào.”
Trước đó, tối 04/11, ông Huỳnh Đức Thơ đã thay mặt Chính quyền thành phố Đà Nẵng gửi thư kêu gọi người dân toàn thành phố Đà Nẵng cùng chung tay khắc phục hậu quả mà bão số 12 gây ra cho thành phố Đà Nẵng trước thềm Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Thư kêu gọi đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ nhiệt tình của mọi tầng lớp nhân dân thành phố Đà Nẵng. Từ sáng sớm ngày 5/11, mặc dù thời tiết tại thành phố Đà Nẵng còn mưa rất to, nhưng người dân thành phố cùng với các dụng cụ đã tiến hành dọn dẹp vệ sinh khu vực mình sinh sống, nhiều cá nhân có các phương tiện chuyên chở như xe bán tải đã tình nguyện sử dụng phương tiện của mình để chuyển rác về nơi tập kết.
Cơn bão số 12 (tên gọi quốc tế là Damrey) tuy không trực tiếp đổ bộ vào thành phố Đà Nẵng, tuy nhiên, hoàn lưu bão đã gây mưa to, gió lớn khiến cho cây cối các tuyến đường, đặc biệt là dọc ven biển bị đổ la liệt, hàng loạt các pano, áp phích chào đón APEC đã bị bão làm cho gãy đổ. |